Giới chuyên gia: Mỹ sẽ mạnh tay nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích

Các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Triều cho rằng các vụ phóng tên lửa liên tiếp gần đây của Bình Nhưỡng có "mục đích kép," cho thấy phần nào chiến lược lâu dài của Triều Tiên trong việc đối phó với Mỹ.
Giới chuyên gia: Mỹ sẽ mạnh tay nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích ảnh 1Hình ảnh vụ phóng tên lửa dẫn đường chiến thuật của Triều Tiên ngày 17/1. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Nhật báo "The Korea Herald" (Hàn Quốc) số ra ngày mới đây dẫn lời các chuyên gia về quan hệ Mỹ-Triều Tiên cho rằng các vụ phóng tên lửa liên tiếp gần đây của Bình Nhưỡng có "mục đích kép," cho thấy phần nào chiến lược lâu dài của Triều Tiên trong việc đối phó với Mỹ.

Chiến lược dài hạn của Triều Tiên 

Quân đội Triều Tiên đã bắn thử 6 tên lửa đạn đạo trong 4 lần phóng riêng lẻ, được tiến hành trong khoảng thời gian ngắn chỉ hơn 10 ngày. Giới chuyên gia làm việc tại một số tổ chức tư vấn của Mỹ cho rằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên cho thấy chiến lược dài hạn của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để bước vào các cuộc đàm phán với tâm thế và lợi thế vượt trội trước Mỹ.

Vụ phóng thử ngày 14/1 vừa qua, diễn ra sau thông báo của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về các lệnh trừng phạt cụ thể đối với Triều Tiên, cho thấy bức tranh rõ nét hơn về cách tiếp cận lâu dài của Bình Nhưỡng đối với Washington. Đáng chú ý, lực lượng tên lửa di động đường sắt phụ trách vụ phóng thử này đóng vai trò "phản công hoặc trả đũa."

Thông điệp gửi đến thế giới rất rõ ràng: Các biện pháp trừng phạt bổ sung và sự phản đối của cộng đồng quốc tế không thể ngăn chặn được sự phát triển vũ khí tiên tiến của Triều Tiên.

Trong khi đó, Washington không nhận thấy bất kỳ lợi ích nào của việc dành nhiều vốn chính trị hơn cho các vấn đề liên quan đến Triều Tiên và đi trệch khỏi cách tiếp cận song phương hiện tại là "ngoại giao và răn đe nghiêm khắc."

Giới chuyên gia chỉ ra rằng các vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên chủ yếu mang ý nghĩa nội bộ và diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với chính quyền ông Kim Jong-un.

Chế độ này đã thúc đẩy kế hoạch 5 năm nhằm phát triển khả năng quốc phòng và cải tiến cũng như đa dạng hóa các loại vũ khí thông thường và phi thông thường.

Tuy nhiên, vụ "trình diễn" tên lửa ngày 14/1 vừa qua của Triều Tiên còn được xem là một thông điệp mà chính quyền Kim Jong-un muốn gửi tới người dân Triều Tiên và Mỹ.

Ankit Panda, một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace, nói: "Tôi thường do dự khi nói đến những động cơ bên ngoài của các vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên thực hiện và tôi tin rằng chúng thường diễn ra chủ yếu vì lý do nội bộ. Tuy nhiên, có thể còn có một khả năng khác là Triều Tiên muốn đồng thời chứng minh rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không ngăn được Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa."

Chính quyền Bình Nhưỡng đã cho phóng thử một cặp tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một bệ phóng di động trên đường sắt chỉ 1 ngày sau khi chính quyền Biden áp đặt các lệnh trừng phạt đầu tiên dành riêng cho Triều Tiên đối với các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm mua nguyên liệu tên lửa từ Trung Quốc và Nga.

Vụ phóng thử cũng diễn ra vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhanh chóng bác bỏ các chỉ định trừng phạt của Washington và cảnh báo trong một thông cáo báo chí rằng nước này sẽ "buộc phải có phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ hơn nếu Mỹ áp dụng lập trường đối đầu như vậy bằng mọi giá."

Ankit Panda cũng chỉ ra tác động từ khoảng cách bay của tên lửa và vai trò cụ thể của các đơn vị đường sắt di động ở Triều Tiên. Cụ thể, khoảng cách bay 430km của 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (KN-23) được phóng ngày 14/1 vừa qua gần như cách đều nhau từ bãi phóng ở huyện Uiju, tỉnh Bắc Pyongan, hướng đến trụ sở của Lực lượng đồn trú Mỹ (USFK) ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc).

[Triều Tiên xem xét lại các biện pháp xây dựng lòng tin với Mỹ]

Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng có một thông điệp khá rõ ràng rằng khả năng này có thể được sử dụng trong thời chiến để trả đũa nhằm vào trụ sở của USFK", đồng thời lưu ý thêm rằng quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên Pak Jong-chon vào tháng 9/2021 đã giải thích rằng các đơn vị di động đường sắt của Triều Tiên được thiết kế để đóng vai trò trả đũa hoặc phản đòn.

Rachel Minyoung Lee, một thành viên của Chương trình "The 38 North" tại Trung tâm Stimson, chỉ ra rằng vụ phóng thử tên lửa ngày 14/1 vừa qua "dường như chủ yếu do các yếu tố trong nước thúc đẩy." Theo đó, một loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong những ngày đầu năm 2022 nên được xem xét "trong bối cảnh kế hoạch phát triển quốc phòng 5 năm và lập trường của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ."

Sau khi thất bại ở Hà Nội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tháng 12/2019 đã đưa ra một chiến dịch mang tên "Đột phá trực diện" và xem đây như một cách tiếp cận được hiệu chỉnh. Chiến dịch này là một chiến lược lớn nhằm đồng thời xây dựng một nền kinh tế tự chủ để đối phó với các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đồng thời phát triển khả năng phòng thủ quốc gia, chấp nhận đối đầu lâu dài với Mỹ.

Rachel Minyoung Lee nhấn mạnh: "Thông điệp gửi tới những 'khán giả trong nước' là kế hoạch phát triển quốc phòng đang được thực hiện theo đúng kế hoạch. Đối với các 'khán giả ngoài nước' (bao gồm cả Mỹ), Triều Tiên muốn chứng tỏ rằng họ đang thực hiện theo thời gian biểu của riêng mình bất chấp việc cộng đồng quốc tế lên án các vụ thử tên lửa hay thậm chí là các động thái áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt."

Một số chuyên gia khác cho rằng Triều Tiên đang quay lại lối chơi cũ để gia tăng sức ép và giành được nhiều nhượng bộ hơn từ Mỹ. Tuy nhiên, về cơ bản và quan trọng hơn, vụ phóng tên lửa ngày 14/1 vừa qua đã cung cấp một bức tranh rõ ràng về chiến lược dài hạn của Triều Tiên đối với các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Joshua Pollack, một cộng sự nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, chỉ ra rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như quyết tâm thúc đẩy kế hoạch 5 năm về phát triển quốc phòng hơn là tìm kiếm đối thoại. Ông nói: "Có thể sau khi hoàn tất và có lẽ sau khi Mỹ có chính quyền mới, ông Kim Jong-un sẽ tìm kiếm cơ hội để đàm phán lại. Rõ ràng, Chủ tịch Kim Jong-un không coi Tông thống Joe Biden là một đối tác đàm phán đầy hứa hẹn."

Lý do Bình Nhưỡng phớt lờ đề nghị đàm phán

Hiện tại, đàm phán hạt nhân chỉ là một màn trình diễn bên lề. Các vụ thử vũ khí của Triều Tiên nên được hiểu là dựa trên chiến lược dài hạn của nước này, đó là đàm phán từ một vị thế mạnh và giành ưu thế trước Mỹ.

Joshua Pollack nhấn mạnh: "Hy vọng và kỳ vọng của ông Kim Jong-un là việc thể hiện mức độ tinh vi đủ cao sẽ thuyết phục Washington có cách cư xử với ông ấy một cách tôn trọng hơn và theo ý của ông ấy hơn."

Hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo vừa qua cũng đã phản ánh tính toán của Bình Nhưỡng rằng các vụ phóng thử sẽ không dẫn đến việc xuất hiện thêm các nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không gây ra những hậu quả kinh tế bất lợi.

Tuy nhiên, nếu xem xét các động thái quốc tế thì rất khó có khả năng Trung Quốc và Nga sẽ hỗ trợ cho sáng kiến do Mỹ dẫn đầu nhằm gây sức ép đối với Triều Tiên.

Chính quyền Kim Jong-un cũng đã có được bài học về việc lợi dụng sự thờ ơ của Washington đối với Triều Tiên dưới thời chính quyền Barack Obama.

Giới chuyên gia: Mỹ sẽ mạnh tay nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Soo Kim, một nhà phân tích chính sách tại Rand Corp., nói: "Kim Jong-un có thể thấy rằng vẫn có đủ khoảng trống để luồn lách nhằm kiểm tra giới hạn kiên nhẫn của Washington. Nói tóm lại, ông ấy nghĩ rằng hậu quả sẽ rất nhỏ, và lợi ích của những lần thử nghiệm tên lửa này vượt xa chi phí bỏ ra."

Tuy nhiên, dường như có một vòng luẩn quẩn đang diễn ra ở đây. Việc Triều Tiên tiếp tục thử vũ khí và từ chối đề xuất nối lại đối thoại vô điều kiện của Mỹ đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden xếp các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên xuống mức ưu tiên thấp hơn.

Bên cạnh đó, Washington cũng phải vật lộn với một số thách thức chính sách đối ngoại cấp bách hơn, bao gồm cả việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và việc Nga tăng cường sự hiện diện quân đội ở gần biên giới Ukraine.

Joshua Pollack nói thêm: "Nhà Trắng dường như không nhận thấy bất kỳ lợi thế nào trong việc đối phó với Triều Tiên hoặc ít nhất là không đủ để Bình Nhưỡng đưa ra bất kỳ hành động hồi đáp nào. Những nỗ lực giao tiếp (với Triều Tiên) của Washington cho đến nay dường như chỉ để giành được nhiều sự hợp tác hơn từ Bắc Kinh. Tôi không nghĩ chính quyền (Tổng thống Joe Biden) sẽ bỏ qua lời mời, nhưng họ sẽ không hoang phí bất kỳ vốn liếng chính trị nào chỉ để cố gắng có được một cái gì đó."

Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ - thường bị che khuất bởi những thách thức cấp bách trong nước - sẽ không tác động đến chính sách của chính quyền ông Joe Biden đối với Triều Tiên.

Ankit Panda nói: "Các cử tri Mỹ không có khả năng trừng phạt đảng của tổng thống vì các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Các vấn đề chính sách đối ngoại khác có thể quan trọng hơn."

Tổng thống Joe Biden đã sẵn sàng cho một đường lối cứng rắn

Việc Washington thay đổi trọng tâm chiến lược nhằm đối phó với Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng sẽ khiến việc áp dụng cách tiếp cận hòa giải và mềm mỏng hơn đối với Bình Nhưỡng trở nên khó khăn hơn. Chính quyền Joe Biden được đánh giá là tuân thủ chính sách về Triều Tiên trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích cho rằng Washington đã sử dụng chính sách Triều Tiên như một phương tiện để quản lý các mối quan hệ đồng minh với mục tiêu tập hợp các đồng minh nhằm tăng cường khả năng răn đe mở rộng đối với Trung Quốc.

Nhà phân tích Soo Kim nói: "Tôi nghĩ rằng sự thay đổi chính sách theo hướng nhượng bộ theo thời gian sẽ làm phức tạp khả năng của chúng ta trong việc đối phó với Triều Tiên và có khả năng tạo ra những thách thức chính sách bổ sung đối với khu vực rộng lớn - hãy nghĩ về Trung Quốc, Đài Loan và những thách thức của liên minh lớn hơn."

Trong bối cảnh đó, các vụ thử vũ khí của Triều Tiên có thể khiến chính quyền ông Biden đặt nặng vấn đề "răn đe nghiêm khắc" hơn là ngoại giao, điều mà chính Tổng thống Biden cho là phù hợp với chính sách Triều Tiên của ông hơn.

Rachel Minyoung Lee lưu ý thêm rằng " chính quyền ông Biden dường như đã sẵn sàng đưa ra lập trường cứng rắn hơn nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhất của họ đối với các cá nhân Triều Tiên là một minh chứng cho điều đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục