Sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết hôm 15/11, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội, nhiều nước trong khu vực đã đánh giá cao sự kiện này.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Giáo sư Hoo Ke Ping khẳng định RCEP được ký kết là một trong những thành công nổi bật tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, do Việt Nam chủ trì.
Trong bối cảnh khu vực đang phải đối phó với nhiều thách thức như hiện nay, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những căng thẳng về thương mại quốc tế, việc 15 nước thành viên với trình độ phát triển khác nhau có thể đi đến hiệp định này là một điều đáng khen ngợi.
[Tổng thư ký ASEAN: Ký kết hiệp định RCEP là một cột mốc lịch sử]
Theo ông Hoo, các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Malaysia, sẽ có cơ hội lớn hơn để xuất khẩu các sản phẩm của mình cũng như có thêm nhiều lựa chọn về nguồn cung hàng hóa.
Khi thương mại phát triển, sản xuất sẽ được thúc đẩy và sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm được tạo ra.
Tuy nhiên, ông Hoo cũng lưu ý những khó khăn và thách thức mà các nước phải đối mặt khi tham gia RCEP cũng cần phải được quan tâm đúng mức.
Giáo sư Hoo Ke Ping cho rằng để có thể thúc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn cũng như sớm đưa vào thực thi RCEP, các nước thành viên nên thành lập Ban thư ký RCEP và đặt trụ sở tại Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực rất đáng khen trong việc thúc đẩy RCEP đi đến dấu mốc lịch sử ngày 15/11 vừa qua.
Đánh giá về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Giáo sư Hoo cho rằng Việt Nam đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN trong một năm có nhiều biến động và thách thức, nổi bật nhất là dịch bệnh COVID-19 và những căng thẳng về thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam đã thể hiện vai trò này một cách thành công và không có ai nghi ngờ về điều này.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, báo Khmer Times đăng bài bình luận về sự kiện RCEP được ký kết, với nhận định cho rằng RCEP thắp lại niềm hy vọng cho sự đổi thay toàn diện trong dòng chảy thương mại, đầu tư và thúc đẩy năng lực chuỗi cung ứng nội khối, tăng cường niềm tin trong khu vực doanh nghiệp các nước thành viên trong khu vực.
Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Seang cho biết các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho thấy việc đàm phán thành công RCEP có thể đóng góp thêm vào mức tăng trưởng tổng thể hằng năm của nền kinh tế Campuchia.
ERIA dự báo xuất khẩu của Campuchia sẽ tăng 7,3% mỗi năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 23,4% và giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 2% khi RCEP được phê chuẩn lần chót.
Ông Chheng Kimlong, Phó Chủ tịch thứ hai Viện nghiên cứu Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Campuchia cho rằng việc tham gia RCEP giúp Campuchia có thêm nhiều cơ hội, trong đó có việc mở ra những thị trường xuất khẩu chưa khai thác, tăng thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cơ hội tiềm tàng để nâng tầm nền tảng nền kinh tế Campuchia.
Ông Chheng Kimlong lưu ý rằng một khi thỏa thuận RCEP có hiệu lực, nó sẽ trở thành liên minh mậu dịch lớn nhất thế giới, tương đương 30% giá trị thương mại toàn cầu và khoảng 30% GDP thế giới.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng Campuchia có thể tái định hình các thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp nền sản xuất và khả năng cạnh tranh dịch vụ của Campuchia cho các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Iman Pambagyo, Chủ tịch Ủy ban đàm phán thương mại RCEP kiêm Tổng cục trưởng Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, nhấn mạnh việc ký kết RCEP đã “cho phần còn lại của thế giới thấy rằng chúng ta vẫn tin tưởng vào thương mại mở và dựa trên quy tắc.”
Ông Iman nêu rõ tính chất toàn diện cũng như nguyên tắc “bắt đầu cùng lúc, thời gian biểu thực hiện khác nhau” của RCEP cung cấp một ví dụ điển hình về cách thức các quốc gia sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau có thể giúp giải quyết vấn đề khoảng cách phát triển bằng một hiệp định thương mại.
Ông Iman cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì đã “hỗ trợ chính trị” cho Ủy ban đàm phán thương mại RCEP nhằm thúc đẩy đàm phán những vấn đề khó khăn còn lại trước khi thỏa thuận này chính thức được bộ trưởng thương mại của 15 nước thành viên ký kết vào ngày 15/11.
Để đảm bảo RCEP sớm có hiệu lực và tất cả các nước đều thực hiện đúng cam kết của mình, ông Iman cho rằng các nước ASEAN “cần tập trung vào những gì mà mình giỏi nhất và không thúc ép sản xuất mọi thứ.”
Ngoài ra, ASEAN không nên sa lầy vào “các mối đe dọa nhập khẩu,” ngược lại cần giải quyết chúng thay vì hạn chế hoặc cấm nhập khẩu một cách quá mức.
Bên cạnh đó, ASEAN cần tận dụng các chuỗi giá trị khu vực và xây dựng ASEAN trở thành “trung tâm quyền lực” của RCEP, không chỉ nhằm chiếm lĩnh các thị trường RCEP mà cả thị trường toàn cầu.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (CCCEU) cũng đánh giá cao việc ký kết RCEP trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo bà Zhou Lihong, Chủ tịch CCCEU, việc ký kết hiệp định này là một ví dụ điển hình về hợp tác kinh tế quốc tế - vốn chịu tác động bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, đồng thời tạo niềm tin để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu vốn bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái./.