Giới chuyên gia khẳng định tầm quan trọng thỏa thuận khí hậu

Ngày 1/12, các chuyên gia cảnh báo việc triển khai công nghệ năng lượng sạch ở những nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn nếu các nhà đàm phán tại COP 21 không thống nhất hỗ trợ.
Chuyên gia Tim Gore, Tổ chức quốc tế Oxfam. (Nguồn: iisd.ca)

Ngày 1/12, giới chuyên gia cảnh báo việc triển khai các công nghệ phát triển năng lượng sạch ở những nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn nếu các nhà đàm phán tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), đang diễn ra tại Paris của Pháp, không thống nhất về cách thức các nước giàu có thể hỗ trợ tài chính cho nước nghèo.

Phát biểu với báo giới bên lề COP 21, chuyên gia Tim Gore, phụ trách chính sách và pháp lý thuộc Tổ chức quốc tế Oxfam, nêu rõ các nước phát triển cần đạt được một thỏa thuận, theo đó thường xuyên đề ra các mục tiêu, cam kết hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước nghèo có nhu cầu.

Trong khi đó, ông Jonathan Coony - điều phối viên Chương trình Công nghệ khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB) - lưu ý để có thể ứng dụng các công nghệ mới, các nước nghèo cần có các viện nghiên cứu và quy định phù hợp cũng như lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, những nước tiếp nhận công nghệ cũng cần tăng cường năng lực sản xuất, nghiên cứu; đồng thời nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động để có thể tự lực phát triển nền kinh tế xanh để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài.

Các chuyên gia đưa ra nhận định trên sau khi nguyên thủ các nước và nhiều nhà tỷ phú trên thế giới cùng ngày cam kết hỗ trợ hàng tỷ USD để phát triển năng lượng xanh tại các nước đang phát triển. Nguồn tài chính này sẽ được dùng để xây dựng các trung tâm nghiên cứu, trong đó nổi bật là kế hoạch xây dựng cơ sở nghiên cứu về lĩnh vực quang hợp nhân tạo mà tỷ phú Mỹ Bill Gates cho rằng có thể tạo ra chất hydrocarbon lỏng thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Tại phiên thảo luận COP 21 ngày 1/12, Pháp và Ấn Độ cũng đã công bố kế hoạch hợp tác phát triển năng lượng Mặt Trời tại các nước nghèo.

Trước đó, các nước phát triển cam kết từ năm 2020 đóng góp hơn 100 tỷ USD/năm để phát triển và ứng dụng các công nghệ "sạch," ít thải khí carbon, cũng như xây dựng năng lực phòng chống tình trạng nước biển dâng, hạn hán và các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục