Hai mươi năm sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ, các chuyên gia và học giả trên toàn thế giới tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp lực và phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện mục tiêu chống khủng bố, cũng như tăng cường nỗ lực để loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa khủng bố.
Các chuyên gia cho rằng chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố nên là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.
Nhà kinh tế-xã hội học người Pháp Jean-Baptiste Meyer cho rằng chủ nghĩa đa phương là con đường đúng đắn và Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
[20 năm vụ khủng bố 11/9: FBI công bố tài liệu đầu tiên liên quan]
Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm phát triển và nghiên cứu Pháp (CEPED) cho rằng nền tảng nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố không phải chỉ ở những quốc gia nơi các nhóm khủng bố hình thành, mà là những mạng lưới toàn cầu và xuyên quốc gia nảy sinh từ những vấn đề mang tính toàn cầu.
Do đó, trong cuộc chiến chống khủng bố, cần có cách tiếp cận đa phương, lấy Liên hợp quốc làm diễn đàn chủ đạo.
Đồng quan điểm trên, Azamat Seitov, giáo sư tại Đại học quốc gia Uzbekistan cho rằng thế giới hiện đại cần cập nhật cách thức phản ứng với những mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng.
Theo giáo sư này, chủ nghĩa khủng bố đã chuyển từ hình thức hoạt động là các tổ chức riêng lẻ trước đây thành một mạng lưới toàn cầu.
Ông Seitov cho rằng chủ nghĩa khủng bố hiện đại đang tấn công vào những lợi ích cơ bản của cộng đồng quốc tế, bao gồm các quyền cơ bản và sự tự do của người dân.
Đặc biệt, cách thức hành động của các tổ chức khủng bố cũng ngày càng tinh vi, sử dụng các nền tảng kết nối internet để lan truyền tư tưởng cực đoan. Vì vậy, để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố, cần tăng cường hợp tác liên quốc gia.
Theo Giáo sư Seitov, những ví dụ ở các quốc gia Trung Đông cho thấy chủ nghĩa khủng bố hiện đại không chỉ kích động những vụ phá hoại hay tấn công khủng bố mà còn có thể tham gia các cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn.
Vì vậy, điều quan trọng không chỉ là "điều trị triệu chứng" mà phải điều trị tận gốc, nhổ tận rễ.
Theo nhà nghiên cứu này, các tổ chức khủng bố được tài trợ từ nước ngoài và vì vậy, việc cắt đứt các hoạt động tài trợ khủng bố từ bên ngoài có thể là một đòn giáng quyết định.
Một yếu tố quan trọng khác nữa là phải loại bỏ tham nhũng để ngăn chặn nguy cơ các tư tưởng và phần tử khủng bố xâm nhập vào các cấu trúc an ninh và chính quyền.
Cần đấu tranh không khoan nhượng với các hoạt động buôn lậu ma túy và vũ khí vốn bị cho là để tạo ra nguồn tài chính tài trợ cho khủng bố.
Ông Sheriff Ghali, Giáo sư khoa học chính trị tại đại học Abuja của Nigeria cho rằng trong những năm gần đây việc các quốc gia châu Phi ở khu vực hồ Chad hợp tác đã giúp tạo ra những tiến bộ trong cuộc chiến chống phiến quân Boko Haram.
Cũng theo Giáo sư này, các hoạt động thúc đẩy kinh tế, tạo cơ hội việc làm và giảm nghèo đói cũng sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành các tổ chức khủng bố và giảm thiểu các hoạt động khủng bố.
Giáo sư Ghali kêu gọi Liên hợp quốc tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực và các quốc gia để cung cấp những hỗ trợ cần thiết về hậu cần, huấn luyện nhân sự cũng như chia sẻ các thông tin tình báo.
Tiến sỹ Rommel Banlaoi, Chủ tịch viện nghiên cứu hòa bình, các vấn đề bạo lực và khủng bố Philippines cho rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế là một mối đe dọa toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể đẩy lùi.
Theo Tiến sỹ Banlaoi, thế giới cần hành động chung để đẩy lùi mối đe dọa này, cần hợp tác quốc tế để ngăn chặn và đánh bại chủ nghĩa khủng bố./.