Ngày 17/11, Hội nghị toàn cầu đầu tiên về các loại vũ khí sát thương tự động của Liên hợp quốc đã bế mạc tại Geneva (Thụy sỹ) với lời kêu gọi của các chuyên gia về sự cấp thiết phải thiết lập các quy chế trong việc sử dụng các cỗ máy được biết đến với tên gọi "robot sát thủ".
Diễn ra trong 5 ngày, hội nghị lần này đánh dấu bước đi đầu tiên hướng đến việc thiết lập các quy định kiểm soát vũ khí, trong bối cảnh Liên hợp quốc đang đối mặt với sức ép cần có hành động thể hiện sự phản đối các loại vũ khí có khả năng xác định và hủy diệt các mục tiêu mà không cần con người điều khiển.
Đại diện của 22 quốc gia, đa số là các nước có ngân sách quân sự hạn hẹp và trình độ kỹ thuật kém hơn, đã kêu gọi thiết lập một lệnh cấm hoàn toàn khi lập luận rằng các vũ khí tự động là bất hợp pháp bởi mọi quyết định cá nhân phát động một cuộc tấn công phải do con người đưa ra.
[Elon Musk: Cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo có thể gây ra Thế chiến 3]
Trong một tuyên bố tổng kết các cuộc thảo luận, nhóm Chiến dịch Ngăn chặn các robot sát thủ cho biết "hiện, đa số các quốc gia đã chấp thuận rằng một số hình thức con người kiểm soát cần phải được duy trì đối với các hệ thống vũ khí".
Tuy nhiên, ngươi đứng đầu Đơn vị vũ trang của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Kathleen Lawland nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần thống nhất áp đặt các hạn chế đối với các vũ khí sát thương tự động để có thể giải tỏa những mối quan ngại về mặt pháp lý và đạo đức, trong bối cảnh những vũ khí này đang phát triển nhanh chóng.
Các học giả tham dự hội nghị đã phàn nàn về tiến độ thảo luận còn chậm chạp và các nước chưa thực sự thống nhất về cách thức ứng phó với mối đe dọa đang nổi lên của các vũ khí sát thương tự động.
Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) Toby Walsh thuộc Đại học New South Wales nhận định cuộc chạy đua vũ trang đã và đang diễn ra, và đây sẽ là việc phát triển các lại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tuy nhiên, ông Walsh bày tỏ tin tưởng về khả năng một lệnh cấm các vũ khí sát thương tự động sẽ được ban hành nếu các quốc gia có đủ dũng khi để quyết tâm thực hiện điều này.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về AI diễn ra tại thành phố Melbourne của Australia hồi tháng Tám vừa qua, giới doanh nhân và khoa học công nghệ trên khắp thế giới kêu gọi con người cần hành động hơn nữa nhằm ngăn chặn phát triển các loại vũ khí sát thương tự động.
Tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Mustafa Suleyman cùng với 114 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI và robot đã cùng ký vào một bức thư trình lên Liên hợp quốc. Trong thư, họ cảnh báo việc chạy đua phát triển các loại vũ khí sử dụng AI có nguy cơ dẫn đến cuộc cách mạng thứ ba trong phát triển vũ khí, sau chất nổ và hạt nhân.
Các chuyên gia nhấn mạnh khi được phát triển, vũ khí sát thương tự động sẽ khiến xung đột vũ trang diễn ra ở quy mô lớn chưa từng thấy với tốc độ nhanh hơn mức con người có thể tưởng tượng. Ngoài ra, quân khủng bố có thể lợi dụng công nghệ này để biến AI thành vũ khí sát hại dân thường.
Giới chuyên gia kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp ngăn chặn các nguy cơ này vì “một khi được mở ra, chiếc hộp Pandora sẽ rất khó bị đóng lại”.
Năm 2015, hàng nghìn nhà nghiên cứu và nhân vật nổi tiếng từng kêu gọi cấm phát triển và sử dụng các loại vũ khí sát thương tự động. Cả Giám đốc Musk và nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking cũng nhiều lần cảnh báo về những mặt trái của phát triển và sử dụng AI./.