Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ngày 26/2, tới nay, Hàn Quốc đã tiêm chủng cho tổng cộng 314.656 người, trong đó 17.131 người đã được tiêm trong ngày 6/3.
Hàn Quốc sử dụng 2 loại vắcxin gồm vắcxin của AstraZeneca (309.387 liều) và vắcxin của Pfizer ( 5.269 liều), với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các chuyên gia y tế Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo về tâm lý do dự tiêm vắcxin khi người dân lo ngại về các tác dụng phụ của vắcxin.
Sự lo ngại xuất phát từ thông tin về một số trường hợp tử vong được ghi nhận sau khi tiêm, các trường hợp này đều có bệnh nền như rối loạn tim, tiểu đường và các bệnh mạch máu não.
Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc về các bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp và bệnh hô hấp lưu ý những ca tử vong này không nên là lý do để mọi người từ chối hoặc trì hoãn việc tiêm chủng vì chưa chứng minh được mối liên quan giữa số ca tử vong và việc tiêm vắcxin.
[Hàn Quốc: 5 bệnh nhân tử vong sau khi tiêm vắcxin của AstraZeneca]
Hiệp hội Tiểu đường Hàn Quốc đã kêu gọi những người mắc bệnh này tham gia tích cực chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19.
Tuyên bố của Hiệp hội cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc COVID-19 hơn và có nhiều khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tiêm vắcxin là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm bệnh."
Trong khi đó, Học viện Lao và Bệnh đường hô hấp Hàn Quốc cho rằng hiệu quả của vắcxin đã được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng và chỉ có những tác dụng phụ nhỏ hiếm khi được báo cáo."
Học viện trên kêu gọi người dân không nên tin vào những thông tin sai lệch không khoa học, đồng thời khuyến cáo những bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp nên tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng của Chính phủ Hàn Quốc.
Bà Cho Eun-hee, quan chức KDCA phụ trách các vấn đề sau tiêm chủng, khẳng định: “Những người mắc các bệnh mãn tính cần được tiêm chủng vì họ dễ bị nhiễm virus hơn”./.