Lần đầu tiên trong gần 7 năm trở lại đây, giá dầu thô thế giới ngày 8/12 đã rớt xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng trên thị trường London (Anh) và New York (Mỹ).
Các chuyên gia thị trường tại Anh dự báo giá dầu thô có thể sẽ giảm xuống thấp hơn nữa, trong bối cảnh dư cung dầu mỏ trên toàn cầu chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Trong phiên giao dịch ngày 8/12, cả giá dầu thô Brent Biển Bắc tại London lẫn dầu thô WTI (West Texas Intermediate) tại New York đều giảm khoảng 6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.
Cụ thể, giá dầu thô Brent trong phiên giảm xuống 39,81 USD/thùng trước khi kết thúc ngày giao dịch ở mức 40,73 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ có lúc chỉ còn 36,64 USD/thùng, trước khi hồi phục lên mức 37,65 USD/thùng vào cuối phiên.
Vào đầu năm 2015, phần lớn các bên tham gia thị trường đều lường trước việc giá dầu thô sẽ ở mức thấp, song sự sụt giá mạnh vào nửa cuối năm là một "bất ngờ thực sự."
Goldman Sachs, một trong những ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên các thị trường hàng hóa thế giới, dự báo giá dầu có thể xuống thấp tới mức 20 USD/thùng. Trong khi đó, ngân hàng Merrill Lynch ngày 8/12 hạ dự báo mức giá dầu thô Brent trung bình trong năm 2016 xuống 5 USD, còn 50 USD/thùng.
Theo giới chuyên gia một trong những yếu tố chính châm ngòi khiến giá dầu mỏ thế giới giảm sâu trong phiên 8/12 là việc các nước thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu tại cuộc họp cuối tuần trước.
Đánh giá trước vấn đề này, chuyên gia Tamas Varga thuộc công ty môi giới PVM có trụ sở tại London, nhận định việc OPEC không thay đổi chính sách, đồng thời dành ưu tiên cho nỗ lực giành thị phần lớn hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đã khiến cho dịp Giáng Sinh năm nay trở nên kém vui đối với các nhà đầu tư năng lượng.
Trong phiên giao dịch ngày 8/12, sự rớt giá của "vàng đen" đã kéo cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lao dốc trong phiên thứ năm liên tiếp.
Trong khi đó, Eugen Weinberg, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc ngân hàng Commerzbank, cho rằng đà tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn rất mạnh (một phần nhờ giá dầu ở mức thấp), song vẫn không theo kịp mức tăng nguồn cung dầu mỏ.
Iraq và Saudi Arabia đều đẩy mạnh khai thác dầu, sản lượng dầu thô của Nga tăng lên mức cao của thời kỳ hậu Xô-viết, còn Mỹ nhanh chóng khôi phục lại mức sản lượng trước đây. Trong khi đó, dự trữ dầu mỏ thế giới hiện đã chạm mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, thị trường vàng thế giới lại có dấu hiệu khởi sắc khi đồng USD giảm giá và chứng khoán toàn cầu đi xuống, mặc dù mức tăng vẫn bị hạn chế do giới đầu tư chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên mức 1.073,18 USD/ounce trong khi giá vàng giao tháng 2/2016 cũng tiến 10 xu Mỹ lên 1.075,30 USD/ounce.
Cũng trong phiên giao dịch ngày 8/12, một ngày sau khi đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 11 năm trở lại đây, dollar Canada (CAD) tiếp tục mất thêm 1/2 cent, xuống còn 73,57 cent đổi một USD. Cùng thời điểm, chỉ số chứng khoán Toronto cũng trượt về mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Đồng CAD tiếp tục xu hướng mất giá trong bối cảnh FED chuẩn bị tăng lãi suất vào đầu tuần tới, động thái có thể khiến CAD mất giá thêm./.