Các biện pháp bình ổn kinh tế mới nhất của Chính phủ Venezuela sẽ tạo ra một nền kinh tế hiệu quả hơn.
Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế độc lập Venezuela Vladimir Adrianza Salas.
Ngày 25/8, Tân Hoa Xã dẫn đánh giá của chuyên gia Salas cho rằng các biện pháp, trong đó có việc phát hành đồng tiền mới “bolivar chủ quyền” thay cho đồng nội tệ cũ bị mất giá trầm trọng do lạm phát vào ngày 20/8 vừa qua, có vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế Venezuela giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Điều này sẽ dẫn tới việc ban hành đồng tiền mới có thể giao dịch mà không liên quan đến dầu mỏ. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới lộ trình tăng hàng hóa và dịch vụ tại Venezuela.
Ông Salas đánh giá động thái nhằm ổn định đồng nội tệ đang bị mất giá này là đúng đắn, đồng thời tin rằng giá việc hợp nhất tỷ giá hối đoái của đồng bolivar chủ quyền với đồng USD và euro sẽ giúp ổn định giá trị của đồng tiền này.
Tờ tiền bolivar độc lập là một phần trong chương trình phục hồi kinh tế của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng lạm phát và chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Biện pháp tỷ giá hối đoái do chính phủ thông qua sẽ cho phép thị trường nội địa điều chỉnh với giá dầu quốc tế, qua đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu.
Ông Salas cho biết những kẻ buôn lậu đã mua dầu với giá rẻ tại Venezuela và đem bán qua biên giới, khiến nước này bị thiệt hại từ 14-18 tỷ USD/năm. Chuyên gia cảnh báo những đối tượng hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela có thể sẽ tìm cách làm suy yếu các biện pháp phục hồi kinh tế. Do đó, Chính phủ và người dân Venenzuela cần cảnh giác để có hành động ứng phó sớm nhất có thể.
Venezuela là quốc gia xuất khẩu dầu và những nguyên liệu thô khác, trong khi nhập khẩu mọi mặt hàng nhu yếu phẩm. Vì vậy, ông Salas đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đa dạng hóa sản xuất và các mối quan hệ thương mại.
Chuyên gia ủng hộ quyết định để Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) sử dụng đồng tiền petro của Tổng thống Nicolas Maduro, cho rằng nó sẽ giúp thoát khỏi tác động của động USD, cũng như nâng giá trị của đồng tiền điện tử này. Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng Venezuela nên đánh thuế đối với các khoản thu nhập lớn, đồng thời nhấn mạnh lợi nhuận mà các công ty tư nhân nước này thu được qua cuộc chiến kinh tế nhằm vào Venezuela là không thể chấp nhận được và chưa từng xảy ra ở những nước khác.
Kinh tế Venezuela đang phải chịu cảnh thiếu hụt hàng hóa trầm trọng và giá cả tăng vọt. Đồng bolivar hiện nay bắt đầu được đưa vào lưu hành cách đây 10 năm nhưng đã liên tục lao dốc trong những năm gần đây do tình trạng lạm phát phi mã. Đặc biệt trong năm 2017, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này đã vượt quá 2.600% và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì năm nay có thể lên tới 1.000.000%.
Để chặn đà lạm phát phi mã, Tổng thống Maduro đã thông báo kế hoạch đổi tiền tại nước Nam Mỹ này chính thức có hiệu lực, theo đó, đồng nội tệ của Venezuela được điểu chỉnh giảm 5 số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolivar chủ quyền.” Giá trị của đồng bolivar chủ quyền dựa trên cơ sở giá trị đồng petro, đồng tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu với mức 1 petro tương đương với 60 USD./.