Theo bài viết đăng trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 20/2, Triều Tiên vẫn nỗ lực phát triển khả năng đánh chặn toàn diện bằng vũ khí hạt nhân và hiện nước này đang đạt được nhiều tiến bộ.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Stratfor nhận định vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2 hôm 12/2 vừa qua, mà Triều Tiên xác nhận là "thành công," đã chứng tỏ Bình Nhưỡng đã đạt được mục tiêu từng một thời xa vời và một số vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của quốc gia này đã khiến dư luận khu vực quan ngại.
Statford cho rằng việc Bình Nhưỡng sớm từ bỏ chương trình hạt nhân dù nước này tham gia bất kỳ đàm phán nào trong tương lại là điều khó có thể xảy ra, và thay vào đó, nước này sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Trong bối cảnh này, các nước trong khu vực và trên toàn cầu buộc phải điều chỉnh chiến lược quân sự để thích nghi, trong đó có Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với khoảng cách 195km, Seoul trở thành mục tiêu trong tầm ngắm của Bình Nhưỡng, do vậy Hàn Quốc sẽ phải củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, Statford cho rằng nhiệm vụ này không dễ dàng đối với Seoul.
Tương tự như Hàn Quốc, thách thức hạt nhân từ Triều Tiên buộc Nhật Bản phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, song Tokyo cũng nhận thức rằng phòng thủ tên lửa chỉ là một phần của nhóm giải pháp đối với vấn đề Triều Tiên.
Trước tình hình này, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang quyết tâm chuyển hướng tìm kiếm những phương tiên nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Việc Triều Tiên phóng tên lửa đất đối trung Pukkuksong-2 hồi trung tuần tháng 2 vừa qua đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành một cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, trong khi Trung Quốc ra tuyên bố phản đối các vụ thử vốn đi ngược lại các nghị quyết của Liên hợp quốc./.