Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang khi INF bị xóa sổ

Theo giới chuyên gia, Nga và Mỹ đã sẵn sàng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, sau khi hai bên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia quốc tế dự báo Nga sẽ triển khai các loại vũ khí mới, sau khi nước này và Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ngày 2/8 tới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang.

Washington và Moskva từ lâu vẫn cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước từ thời Chiến tranh Lạnh này và hai bên đã lên kế hoạch rút khỏi INF từ nhiều tháng trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định ngừng tham gia hiệp ước INF từ tháng 3/2019, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chấm dứt thỏa thuận này. Bên cạnh việc cáo buộc Nga vi phạm, chính quyền Washington còn cho rằng INF "trói buộc" Mỹ trong khi cho các nước khác, ví dụ như Trung Quốc, được tự do sử dụng tên lửa tầm trung vốn bị hạn chế trong thỏa thuận.

Chuyên gia phân tích quân sự Pavel Felgenhauer nhận định: "Giờ thì thỏa thuận sắp kết thúc, chúng ta sẽ thấy hàng loạt động thái chế tạo và triển khai các loại vũ khí mới". Theo ông Felgenhauer, "nước Nga đã sẵn sàng" cho một cuộc chạy đua vũ trang.

[Tổng thống Trump: Mỹ-Nga có thể đạt được thỏa thuận kiểm soát vũ khí]

Cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu tiên đề cập tới các loại vũ khí mới trong bài phát biểu trước các sĩ quan quân đội Nga. Đến tháng 2 vừa qua, ông đã cung cấp những thông tin chi tiết hơn về những dự án phát triển vũ khí của Nga, ngay sau khi Mỹ khởi động thủ tục rút khỏi hiệp ước INF.

Ngoài việc chế tạo tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, Moskva còn có kế hoạch chế tạo một phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa Kalibr, vốn rất thành công khi được Hải quân Nga sử dụng và thử nghiệm ở Syria.

Tuy nhiên, Nga vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính khi đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2014 do các lệnh trừng phạt và tình trạng giá dầu sụt giảm mạnh. Ngân sách cho quân đội của Nga chỉ bằng 1/10 của Mỹ, trong khi Putin yêu cầu các tên lửa mới phải được chế tạo "mà không cần tăng ngân sách quốc phòng".

INF là một trong hai thỏa thuận quan trọng giữa Nga và Mỹ, bên cạnh Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công chiến lược (START). Tuy nhiên, hiệp ước START mới cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và dường như hai bên không có ý định đàm phán gia hạn văn kiện này.

Thành viên nhóm cố vấn Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, chuyên gia Alexander Savelyev cho rằng khi START hết hiệu lực, sẽ chẳng còn gì ngăn cản một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục