Ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia.
Chuyến thăm Australia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để hai nước cùng đánh giá lại những bước phát triển của quan hệ song phương thời gian qua và định hướng hợp tác thời gian tới.
Đặc biệt, điểm nhấn của chuyến thăm lần này là Việt Nam và Australia đã công bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; mở rộng hợp tác giáo dục-đào tạo, trong đó có đào tạo nghề; thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng những động lực mới hiện nay, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới chuyên gia, học giả tại địa bàn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia thuộc Đại học New South Wales, cho rằng trong hơn 50 năm qua, quan hệ giữa Australia và Việt Nam đã tiến triển theo từng giai đoạn và mối quan hệ này được tất cả các chính đảng nắm quyền ở Australia qua các thời kỳ ủng hộ. Dù hai nước có thể chế chính trị khác nhau nhưng dường như đó không phải là trở ngại.
Với việc quan hệ giữa hai nước được nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện cho thấy Australia và Việt Nam tôn trọng thể chế chính trị của nhau và lợi ích kinh tế đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn vì một lợi ích chiến lược rộng lớn hơn, mang đến những điều tốt đẹp cho người dân hai nước, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam rộng lớn ở quốc gia châu Đại Dương này, cũng như niềm tin chiến lược vào các nhà lãnh đạo của cả hai nước.
Theo Giáo sư Carl Thayer, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Australia có thêm nhiều cuộc trao đổi sâu rộng hơn về nhiều vấn đề.
Ông cho biết một bộ phận lớn người dân Australia ủng hộ việc tăng cường các mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy các cơ sở giáo dục. Có những lĩnh vực mà Australia và Việt Nam có thể làm nên điều kỳ diệu.
Vị Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia khẳng định Australia sẽ ưu tiên hợp tác với Việt Nam và thúc đẩy đối thoại. Hai bên có thể cùng nhau đưa ra và chia sẻ ý tưởng ở các cấp độ đối thoại khác nhau. Tất cả những điều đó phục vụ tương lai chung của cả hai nước trong bối cảnh thế giới và khu vực đang phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế và sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Hai bên sẽ cùng có lợi nếu hiểu được những thách thức đó và tìm ra cách tốt nhất để điều chỉnh và hợp tác hiệu quả nhất với nhau thông qua các cơ chế song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia và đóng một vai trò mạnh mẽ.
Trong khi đó, chuyên gia Greg Earl - cựu thành viên Hội đồng Australia-ASEAN và là cựu phóng viên về khu vực Đông Nam Á của tờ The Australia Financial Review - nhận định việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo tiền đề giúp Việt Nam và Australia đẩy mạnh quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn và có thể có những cuộc đối thoại về các vấn đề của khu vực.
Trên thực tế, Việt Nam và Australia đã tìm ra cách để tạo dựng mối quan hệ song phương ngày càng thân thiết, đặc biệt là mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự bổ trợ lẫn nhau trong chính sách kinh tế và cộng đồng người Việt đông đảo ở Australia - một trong những cộng đồng hải ngoại lớn nhất ở quốc gia châu Đại Dương này và là cầu nối giúp Australia hiểu về Việt Nam hơn.
Theo đánh giá của chuyên gia Greg Earl, quan hệ Việt Nam-Australia là một trong những mối quan hệ đối ngoại phát triển nhanh nhất của Australia thời gian qua. Dù có hệ thống chính trị khá khác nhau nhưng hai nước nhận thấy có nhiều điểm chung trong các vấn đề chính sách đối ngoại khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đầu tư vào nguồn tài nguyên của Australia, trong khi Australia nhập khẩu nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam. Điều này khiến các doanh nghiệp Australia quen thuộc hơn với Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia, ngoài việc dành nhiều lời ngợi ca cho những thành tựu xuất sắc của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội…, Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách Công, Đại học Quốc gia Australia, cũng bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến Australia và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Theo ông, đây là một tín hiệu tích cực cho tương lai của hai nước. Dù không gần nhau về mặt địa lý, nhưng hai nước có thể nắm bắt cơ hội này để xây dựng một mối quan hệ bền chặt và hiểu biết lẫn nhau trên mọi phương diện.
Nhiều công ty đa quốc gia lớn đã đến Việt Nam và thiết lập hoạt động sản xuất ở “dải đất hình chữ S” này. Chính vì vậy, Giáo sư Hal Hill cho rằng Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời đối với Australia.
Giáo sư Hal Hil đánh giá Việt Nam là quốc gia thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước, có một vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Đó là điều mà các quốc gia khác nên học hỏi từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế “ngôi sao” của Đông Nam Á, là quốc gia thành công nhất ở khu vực trong thế kỷ qua trong việc thâm nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu - phần phát triển nhanh nhất của thương mại quốc tế.
Nhiều công ty đa quốc gia lớn đã đến Việt Nam và thiết lập hoạt động sản xuất ở “dải đất hình chữ S” này. Chính vì vậy, Giáo sư Hal Hill cho rằng Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời đối với Australia.
Dưới góc nhìn của Giáo sư Hal Hill, về mặt chính trị-xã hội, Việt Nam là một đất nước năng động, tích cực, không có sự kiểm duyệt Internet. Từ một quốc gia nghèo đói nhất thế giới, vào những năm 1980, thông qua công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, thành công trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, hải sản và tạo dựng một nền kinh tế đa dạng.
Với chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Australia và những tín hiệu lạc quan, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho mối quan hệ gần gũi và thân thiết hơn giữa Việt Nam và Australia./.
Việt Nam-Australia thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư
Quan hệ Việt Nam-Australia đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả. Các dự án ODA không hoàn lại của Australia cơ bản được thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam.