Với lợi thế dân số trẻ hứa hẹn một nền kinh tế sôi động, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong dài hạn.
Phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề Đầu tư ASEAN 2022 với chủ đề “Thị trường và dòng tiền thông minh," Giám đốc điều hành tập đoàn UOB Asset Management tại Malaysia, Lim Suet Ling nhận định là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với hơn 600 triệu dân, ASEAN đã phát triển và trở thành khu vực nơi dân số có trình độ học vấn cao. ASEAN cũng sở hữu lợi thế là một trong những nhà sản xuất lớn nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà, việc Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa để ngăn dịch COVID-19 lây lan đồng nghĩa các nước trên thế giới cần hướng tới việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ASEAN nói chung cũng như Malaysia nói riêng có thể nắm bắt cơ hội này để thu hút đầu tư.
Bà Lim Suet Ling cũng nhấn mạnh rằng các thỏa thuận thương mại giữa các nước ASEAN có thể được củng cố bằng cách thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nhằm tạo ra các cơ hội đầu tư tốt hơn.
[ASEAN phát huy đoàn kết, vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực]
Bà khuyến cáo các nhà đầu tư nên có sự chuẩn bị tốt hơn và thận trọng trong việc nắm giữ cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, các nhà đầu tư có thể hướng tới việc rót vốn vào các dịch vụ tiện ích hoặc tài sản có thu nhập thường xuyên.
Đối với Malaysia, bà Lim Suet Ling đánh giá các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được đổ vào quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt trong lĩnh vực điện và điện tử.
Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của Malaysia như một điểm đến đầu tư hàng đầu, bà Lim Suet Ling hy vọng rằng Malaysia sẽ có thêm “nhiều kỳ lân” (chỉ các công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) trong lĩnh vực công nghệ được thành lập hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời gian tới./.