Giới chức Hoa Kỳ kỳ vọng vào quan hệ song phương với ASEAN

Là người trực tiếp tham gia hội nghị, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink đánh giá hội nghị “là một thành công lớn."
Giới chức Hoa Kỳ kỳ vọng vào quan hệ song phương với ASEAN ảnh 1Quang cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 17/5, Trung tâm Truyền thông châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tổ chức họp báo với phóng viên quốc tế về Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ.

Là người trực tiếp tham gia hội nghị, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink đánh giá hội nghị “là một thành công lớn."

Ông cũng trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến những đóng góp của Việt Nam cho thành công của hội nghị và triển vọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Trang state.gov của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lời ông Kritenbrink nhấn mạnh đây là hội nghị cấp cao trực tiếp lớn nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho đến nay. Phía Hoa Kỳ tin rằng hội nghị lần này đã thể hiện toàn bộ chiều rộng và chiều sâu của mối quan hệ nền tảng của nước này với ASEAN.

Theo Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kritenbrink, “động lực cốt lõi” cho mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-ASEAN là hơn 7 triệu người dân Hoa Kỳ hiện có những ràng buộc về gia đình và di sản lịch sử với các quốc gia Đông Nam Á. Hợp tác giáo dục được xem là kênh tăng cường quan hệ giữa người dân thông qua nghiên cứu và đào tạo. Điều này được thể hiện qua việc các trường đại học của Hoa Kỳ tham gia ngày càng nhiều vào các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Kritenbrink đã nhắc đến việc Tập đoàn Tài chính Phát triển và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) ký một thỏa thuận tài chính trị giá 37 triệu USD cho cơ sở mới của FUV tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kritenbrink cho rằng hội nghị lần này là cơ hội để Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ giới lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại mọi phiên họp và đề cập đến nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, ngăn dịch COVID-19 lây lan và các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải.

[Truyền thông Đức đưa tin về "kỷ nguyên mới" giữa ASEAN và Hoa Kỳ]

Bên cạnh các hoạt động của hội nghị, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề cập đến các sự kiện được Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức với các nhà lãnh đạo ASEAN, gồm cả Việt Nam.

Ông khẳng định đây thực sự là một lễ kỷ niệm quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời nhận định Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày một cách ấn tượng tầm nhìn về những gì Việt Nam đang cố gắng đạt được và những gì Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng nhau nỗ lực đạt được, bao gồm cả việc tiếp tục giải quyết các di sản từ quá khứ một cách hiệu quả trong khi tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác hướng tới tương lai.

Ông Kritenbrink nhấn mạnh cũng như đối với chính ASEAN, Hoa Kỳ rất kỳ vọng vào tương lai của mối quan hệ đối tác với Việt Nam.

Giới chức Hoa Kỳ kỳ vọng vào quan hệ song phương với ASEAN ảnh 2Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đề cập đến cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tiệc chiêu đãi ở Nhà Trắng, ông Kagan cho rằng hai bên đã có “các cuộc trò chuyện rất thẳng thắn” và là dịp để Tổng thống Hoa Kỳ “tăng cường quan hệ song phương với các nước trong khu vực."

Ngoài ra, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cho biết an ninh hàng hải là một trong những chủ đề chính của hội nghị. Hai bên đã tập trung vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Biển Đông.

Hội nghị nhấn mạnh chìa khóa để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực là đảm bảo tất cả các tranh chấp và mọi hành vi đều được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hoa Kỳ đã tái khẳng định ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Washington cũng ủng hộ một môi trường có lợi cho quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về phần mình, ông Edgard D. Kagan, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về Đông Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ và ASEAN đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề trên Biển Đông thông qua việc đưa ra một tuyên bố chung, trong đó đề cập “rất rõ ràng về các nguyên tắc và giá trị cơ bản."

Về Tuyên bố Tầm nhìn chung Hoa Kỳ-ASEAN được đưa ra sau hội nghị, ông đánh giá đây là một tuyên bố quan trọng phản ánh các lĩnh vực mà Hoa Kỳ và ASEAN đã tăng cường hợp tác. Việc điều chỉnh tầm nhìn thể hiện Hoa Kỳ đang tiến tới và tăng cường các mối quan hệ này trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục