Giới chức Canada tin tưởng quan hệ nhiều triển vọng với Việt Nam

Ông Donald Bobiash, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada tin tưởng quan hệ nhiều tiềm năng, triển vọng với Việt Nam và Hiệp định CPTPP sẽ giúp hai nước khơi thông thị trường hàng hóa của nhau.
Tối 8/11/2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiêu đãi trọng thể Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng, phóng viên TTXVN tại Canada đã có cuộc phỏng vấn ông Donald Bobiash, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada.

Ông Donald Bobiash phụ trách quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Canada và đã nhiều lần đến Việt Nam trên các cương vị khác nhau.

Trong cuộc trao đổi, Trợ lý Thứ trưởng Bobiash khẳng định bản thân ông và Canada rất ấn tượng khi tận mắt chứng kiến sự chuyển mình cũng như những thay đổi và tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

[Việt Nam-Canada tận dụng ưu đãi thúc đẩy hợp tác thương mại]

Trong thời gian đó, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada cũng phát triển rất tốt đẹp và có những kết nối chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị, ngoại giao, thương mại, giáo dục đến giao lưu nhân dân.

Theo ông Bobiash, một trong những dấu ấn lớn trong thời gian gần đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong đó lãnh đạo hai nước đã ký thoả thuận Đối tác Toàn diện, đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việc Thủ tướng Trudeau mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng “thể hiện rõ sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Việt Nam.”

Là người đã có 15 năm theo dõi khu vực châu Á-Thái Bình Dương và từng đứng đầu Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Canada, ông Bobiash đánh giá rất cao những cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Canada và Việt Nam. Đối với ông, cộng đồng người Việt ở Canada, hiện đã lên tới hơn 240.000 người, đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Giáo dục hai nước cũng có rất nhiều triển vọng hợp tác với số lượng sinh viên Việt Nam sang Canada du học ngày càng đông. Trong năm ngoái, con số này đã lên tới gần 15.000 sinh viên, nhưng nhu cầu và dư địa thực tế vẫn rất lớn.

Về hợp tác thương mại, ông Bobiash cho rằng Việt Nam “có cơ hội rất lớn trở thành thị trường cho hàng hoá Canada”. Hiện tại, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đạt hơn 6 tỷ đôla Canada (CAD) và Việt Nam là thị trường rất quan trọng cho các sản phẩm của Canada như lúa mạch, cải dầu, hạt lentil, hàng nông sản, hải sản. Ngược lại, Canada cũng nhập khẩu rất nhiều sản phẩm gia công ở Việt Nam như điện thoại di động, thiết bị điện tử… Ông khẳng định hai nước đang có quan hệ thương mại rất tốt.

Trợ lý Thứ trưởng Donald Bobiash cũng tỏ ra rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và bày tỏ sẵn lòng thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Ông khẳng định: "Việt Nam tăng trưởng kinh tế rất cao, trên 6%/năm, thuộc hàng cao nhất thế giới. Các bạn còn có tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm của Canada. Vì thế, chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ để có được mối quan hệ thương mại cùng thắng.”

Không chỉ tin tưởng vào tiềm năng sẵn có của hai nước, quan chức ngoại giao Canada còn khẳng định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên sẽ mở ra nhiều cơ hội và khơi thông thị trường cho hàng hoá của nhau.

Theo ông, CPTPP sẽ mở rộng các dòng chảy thương mại hai chiều bằng cách giảm thuế đối với hàng hoá xuất khẩu của Canada, đặc biệt là nông sản. CPTPP cũng sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam… Việc mở cửa thị trường cho hàng hoá của nhau sẽ là giải pháp cùng thắng, sẽ tạo ra những dòng sản phẩm lớn hơn xuôi ngược giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo ông Bobiash, quan hệ giữa Canada và Việt Nam còn được mở rộng ra ngoài các lợi ích song phương. Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Trudeau sẽ mở rộng thêm nội hàm hợp tác giữa hai nước bởi các chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Charlevoix đều rất quan trọng, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới, không chỉ Canada hay các nước thành viên G7.

Trong số 5 chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, ông Bobiash cho rằng có 2 chủ đề liên quan nhiều nhất và trực diện nhất với Việt Nam. Đó là chủ đề đại dương và biến đổi khí hậu và chủ đề xây dựng một thế giới hoà bình và an toàn hơn. Giải thích về điều này, ông nói: “Việt Nam có bờ biển dài. Canada tiếp giáp nhiều đại dương. Vì thế, biến đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu, ô nhiễm và rác thải nhựa trên biển đều là những vấn đề ảnh hưởng đến cả hai nước.”

Về chủ đề xây dựng một thế giới hoà bình và an toàn hơn , ông bày tỏ tin tưởng và chờ đợi hai nước có thể hợp tác thúc đẩy hoà bình ở châu Á cũng như trên toàn thế giới.

Theo ông Bobiash, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước sẽ luôn mang lại kết quả cùng thắng, nhất là khi được thực hiện trong khuôn khổ CPTPP và quan hệ Đối tác Toàn diện đã được lãnh đạo hai nước ký kết tháng 11 năm ngoái ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục