Người Dao ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có nghề thêu thổ cẩm. Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Nguyên Bình đang đề ra các giải pháp để gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống này.
Đã hơn 20 năm nay, bà Lý Mùi Lai (xóm Xiên Pèng, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) gắn bó với nghề may trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc Dao đỏ.
Bà Lai cho biết, trang phục của dân tộc Dao đỏ gồm hai loại là thường phục và lễ phục. Đối với nam giới, trang phục hàng ngày đơn giản với áo chàm đen; lễ phục là áo dài đỏ với họa tiết hoa lá sặc sỡ. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm.
[Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nghề dệt zèng truyền thống ở Huế]
Bà Lai chia sẻ thêm, bà biết thêu quần áo của dân tộc Dao đỏ từ lúc hơn 10 tuổi. Bộ trang phục của dân tộc Dao đỏ thường dùng vào các ngày lễ cấp sắc, lễ tẩu sai, lễ cưới hỏi và mặc đi chợ phiên. Khi ai có nhu cầu đặt mua, bà làm để bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Bà đã dạy con cháu biết thêu và làm bộ quần áo dân tộc Dao đỏ, để thế hệ sau không làm mất đi truyền thống bản sắc của dân tộc Dao đỏ.
Đang tỉ mẩn đính những họa tiết bạc cuối cùng cho phần ngực áo, chị Lý Mùi Mui (xóm Xiên Pèng, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết, chị được mẹ dạy làm bộ trang phục người Dao đỏ từ khi 10 tuổi. Bây giờ, chị đã hơn 20 tuổi và hàng ngày chị giúp mẹ may những bộ quần áo này để mọi người dùng khi đi làm dâu, cho các thầy cúng mặc và để gìn giữ bản sắc dân tộc.
Người Dao đỏ ở Nguyên Bình thường dùng vải nhuộm chàm để may trang phục. Một bộ trang phục của người Dao đỏ có 5 màu cơ bản là đỏ, xanh, trắng, vàng, đen; trong đó, màu đỏ là màu chủ đạo.
Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Điểm nhấn của bộ trang phục người phụ nữ Dao đỏ là phần ngực áo được trang trí bằng họa tiết bạc. Những họa tiết bạc sẽ gắn đầy trên hai mảnh vải được vòng qua cổ tựa như chiếc áo yếm. Quanh cổ được viền vải đỏ và đính các hàng hóa bằng bạc song song với nhau. Chiếc áo yếm này có hai thân trước và sau, cả hai thân đều được đính hoa bằng bạc.
Người Dao ở Nguyên Bình được chia làm hai nhóm là Dao đỏ và Dao tiền. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao tiền, năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Hoa Thám đã quyết định thành lập Nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám. Nhóm gồm 17 thành viên thực hiện thêu các hoa văn, cách chấm sáp ong, giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đang mải miết thêu những hoa văn trên một chiếc khăn tay, chị Chu Thị Huyền (20 tuổi, thành viên trẻ tuổi nhất Nhóm thêu thổ cẩm người Dao tiền xóm Nà Chắn) cho biết từ nhỏ chị đã được các bà, các mẹ chỉ bảo làm áo, làm địu, làm những sản phẩm thêu truyền thống của dân tộc; dạy từng nét hoa văn từ đơn giản đến phức tạp, cho đến làm được cả bộ như địu, áo dân tộc, khăn, mũ...
Đến bây giờ, chị đã có thể tự làm mọi công đoạn từ vẽ sáp ong đến thêu thành một sản phẩm hoàn thiện. Chị cho rằng, phụ nữ người Dao tiền ai cũng phải biết thêu để góp phần giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoa Thám Hoàng Tòn Sao, qua hai năm hình thành và phát triển, sản phẩm của nhóm thêu thổ cẩm người Dao tiền xóm Nà Chắn đã được giới thiệu tới nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thông qua việc trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, các sản phẩm thêu thổ cẩm của nhóm được nhiều tổ chức, cá nhân đạt hàng. Việc tiêu thụ được sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên.
Hiện nay, thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi thành viên đạt trên hai triệu đồng. Mô hình xây dựng nhóm sở thích thêu thổ cẩm của đồng bào Dao tiền đã cho những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, theo bà Bàn Thị Xuân (thành viên Nhóm thêu thổ cẩm người Dao tiền xóm Nà Chắn), để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Dao tiền, ngoài việc được đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị và nâng cao tay nghề, Nhóm cần các tổ chức xã hội trong và ngoài nước hỗ trợ về vốn.
Các cấp chính quyền có cơ chế chính sách phát triển nghề thêu thổ cẩm, tạo động lực phát triển các làng nghề truyền thống nói chung và của đồng bào dân tộc Dao tiền tại xã Hoa Thám nói riêng…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng cho biết, đồng bào Dao ở huyện Nguyên Bình có nhiều nét văn đặc sắc, trong đó có thêu thổ cẩm. Để phát huy những nét văn hóa độc đáo, huyện đã xây dựng kế hoạch đề nghị các xóm, xã còn lưu giữ những nét văn hóa thêu thổ cẩm thành lập các tổ nhóm sở thích.
Đồng thời, huyện hỗ trợ các nhóm sở thích mang sản phẩm tham gia tại các hội chợ triển lãm, học hỏi cách tiếp cận thị trường. Huyện đang hướng dẫn các tổ nhóm thêu thổ cẩm mang sản phẩm ra các điểm du lịch để trưng bày, giới thiệu, trong đó có việc trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)…/.