Gìn giữ không gian văn hóa Quan họ nguyên bản xứ Kinh Bắc

Hội Lim 2024 có sự hội tụ, giao thoa của nhiều làng quan họ cổ, tái hiện không gian văn hóa Quan họ nguyên bản nhất, từ hát cửa đình, cửa chùa, hát tại gia đình nghệ nhân, hát tại lán, dưới thuyền.

Biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền của các liền anh, liền chị tại Hội Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền của các liền anh, liền chị tại Hội Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Lễ hội Lim - Lễ hội đầu Xuân lớn nhất xứ Kinh Bắc - được diễn ra trong hai ngày 21-22/2 (tức ngày 12-13 tháng Giêng). Du khách thập phương lại có dịp đắm mình trong không gian lễ hội đặc sắc và nghe các liền anh, liền chị Quan họ cất lên những câu ca mượt mà, say đắm lòng người.

Tái hiện không gian văn hóa đậm chất Bắc Bộ

Ngay từ những ngày sau Tết, các thành viên Câu lạc bộ Quan họ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim (Tiên Du) đã háo hức nhận nhiệm vụ phục vụ Lễ hội Lim theo sự phân công của Ban Tổ chức.

Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Hữu Viêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ thôn Lũng Giang cho biết trước lễ hội vài tháng, các thành viên trong câu lạc bộ đã tập luyện rất công phu, sau mỗi năm, kỹ năng của các thành viên dồi dào hơn, chất giọng thêm "vang, rền, nền, nảy." Vì vậy, sẽ thỏa lòng những người yêu, say Quan họ và du khách thập phương.

Hội Lim là Hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Không gian lễ hội tọa lạc trên đồi Lim, bao quanh là các làng, xóm và phố chợ bên Tỉnh lộ 295B (xưa là tổng Nội Duệ) nay là thị trấn Lim và các xã Nội Duệ, Liên Bão.

Đây là lễ hội lớn của vùng, thể hiện một cách sâu sắc văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc.

Trên sườn đồi Lim, 12 lán của các câu lạc bộ, nhóm Quan họ của các làng xã trong và ngoài vùng dập dìu những áo mớ bảy, mớ ba, nón quai thao, dải yếm lụa sồi, áo the hoa gấm tràn đầy sức sống của mùa Xuân.

hoi lim2.jpg
Liền chị nhí thuộc Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du biểu diễn. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Hàng trăm làn điệu Quan họ được truyền giữ từ bao đời bởi các thế hệ liền anh, liền chị cứ lớp lớp "tre già măng mọc." Trong không gian tràn ngập những giai điệu dân ca ấy, các liền anh, liền chị vừa ca những làn điệu đạt tới trình độ nghệ thuật cao vừa têm trầu cánh phượng đón tiếp du khách thân tình, nồng hậu.

Bà Phan Thị Lơi (ở xã Tri Phương, huyện Tiên Du năm nay 65 tuổi) tham gia hát tại Hội Lim đã gần 30 năm nhưng năm nào cũng chộn rộn, háo hức mong chờ ngày khai hội. Cùng đến Hội Lim năm nay với bà Lơi là con gái và cháu ngoại đều là các liền chị.

Bà Lơi chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở làng Quan họ, những làn điệu dân ca cứ thế đi cùng trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi năm đến mùa lễ hội, bà rất háo hức luyện tập cùng các liền anh, liền chị trong làng.

Gia đình bà Lơi hiện có 3 thế hệ đang hát Quan họ, đó là niềm tự hào của bà bởi truyền thống của quê hương vẫn đang được duy trì; đặc biệt lớp trẻ ngày nay vẫn yêu và hát các làn điệu dân ca.

Đào Thị Thảo, cháu ngoại bà Lơi, năm nay là học lớp 11, chia sẻ em theo mẹ và bà đi tập hát từ nhỏ, năm học lớp 3 em đã tham gia hát ở Lễ hội cùng bà và mẹ.

"Em rất tự hào vì mình là người con xứ Kinh Bắc và biết hát các làn điệu dân ca của quê hương. Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể và em rất tự hào vì điều đó. Giờ đây, em muốn mang lời ca tiếng hát của mình đi muôn nơi để nét văn hóa đậm chất Bắc Bộ này được lưu truyền mãi mãi," Thảo nói.

Vì yêu mà "đến hẹn lại lên"

Về với hội Lim để cảm nhận một không gian lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, để thấy "người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình." Từng câu ca Quan họ đầy thi vị được cất lên không chỉ thể hiện tình yêu của con người với quê hương đất nước mà còn là niềm tự hào về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Hội Lim năm nay có sự hội tụ, giao thoa của rất nhiều làng quan họ cổ, nơi tái hiện một không gian văn hóa quan họ nguyên bản nhất, từ hát cửa đình, cửa chùa, hát tại gia đình nghệ nhân, hát tại lán, dưới thuyền.

Điểm mới năm nay là ngoài các câu lạc bộ Quan họ gốc, Quan họ thực hành trong huyện còn có Câu lạc bộ Quan họ măng non của huyện và Câu lạc bộ Quan họ Mười nhớ tại Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu.

hat giao luu.jpg
Du khách hát giao lưu với liền chị tại Hội Lim. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Vượt hàng nghìn km từ Thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, chị Nguyễn Ánh Dương cùng các thành viên Câu lạc bộ Quan họ Mười nhớ có mặt tại Bắc Ninh trước vài ngày diễn ra lễ hội.

Vốn là người con xứ Kinh Bắc, chị Dương có tình yêu rất đặc biệt với các làn điệu Quan họ và được trời phú cho giọng ca ngọt ngào.

Chị Dương cho biết đây là năm đầu tiên Câu lạc bộ Quan họ Mười nhớ tham gia hát tại Hội Lim, các thành viên trong câu lạc bộ đều rất háo hức và tự hào vì được góp chung lời ca tiếng hát trong không gian văn hóa truyền thống đậm chất Bắc Bộ này.

Trong ký ức của người con xa xứ, mỗi khi hát những làn điệu dân ca Quan họ đã giúp chị luôn tự hào về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc, giữ trọn tình yêu với quê hương Kinh Bắc.

Bà Nguyễn Thị Phượng, thành viên Câu lạc bộ dân ca Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) năm nay không lên sân khấu biểu diễn, nhưng đến hội Lim bà vẫn mặc trang phục của một liền chị với áo mớ ba mớ bảy, khăn mỏ quạ và nón quai thao.

Với tình yêu các làn điệu Quan họ, năm nào bà Phượng cũng háo hức chuẩn bị đến hội Lim để được nghe câu ca "người ơi người ở đừng về" để tìm lại tuổi Xuân và được gặp các liền anh, liền chị.

Bà Phượng chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong, tôi háo hức chờ đến ngày 13 tháng Giêng, chuẩn bị xống áo rất công phu để đi trảy hội. Dù không được sinh ra ở xứ Kinh Bắc nhưng tôi yêu vô cùng những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, say đắm lòng người. Đến Hội Lim không chỉ thưởng thức những làn điệu Quan họ, tôi còn được giao lưu với các liền anh, liền chị, những người bạn có cùng đam mê. Giã hội rồi lại háo hức chờ đợi đến mùa Xuân sau, chờ đến ngày 13 tháng Giêng để đi trảy hội, để thấy nét văn hóa của dân tộc vẫn trường tồn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục