Gìn giữ bản sắc, truyền thống Việt nơi xứ người

Gần 4 triệu người Việt sinh sống ở khắp thế giới đã và đang là sợi dây kết nối đưa bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Ở đâu có người Việt, ở đó có bản sắc, truyền thống, tinh thần Việt, phát huy lòng tự tôn dân tộc.

Gần 4 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu đã và đang là sợi dây kết nối đưa bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tiếng Việt là cội rễ dân tộc

Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự gắn kết với các cộng đồng người Việt trên thế giới và với quê hương.

Nhận thức được điều này nên các thế hệ người Việt Nam xa xứ vẫn luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ sau như một việc làm tất yếu để gìn giữ bản sắc văn hóa. Đặc biệt là thế hệ những người đã ngoài 50 tuổi, luôn mong muốn con em mình biết và hiểu tiếng Việt để tìm về với cội rễ, cha ông.

Chị Bùi Ái Phượng, Việt kiều tại Italy khẳng định, muốn con em người Việt, các thế hệ sinh ra ở nước ngoài nói và yêu thích tiếng Việt thì các bậc phụ huynh phải nói tiếng Việt nhiều hơn, nhất là trong gia đình.

Trong thời đại internet phát triển như ngày nay, việc dạy và học tiếng Việt không còn là vấn đề quá khó khăn. Bộ sách giáo khoa “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt” đã phát huy hiệu quả trong hoạt động dạy và học tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt ở Italy.

Ngoài ra, nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam qua Italy du học cũng đã đóng góp tích cực duy trì các lớp học tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt tại đây.

Bà Trương Thị Oanh vốn sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nhưng vẫn nói và hiểu rất rõ tiếng Việt bởi cha mẹ bà luôn dành nhiều thời gian dạy và nói chuyện bằng tiếng Việt với bà khi còn nhỏ. Không những thế, bà Oanh còn hát được hàng chục bài hát tiếng Việt, thuộc rất nhiều bài thơ của các tác giả trong nước.

Bà cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan rất đông đúc, đặc biệt là tại thủ đô Bangkok với 1.000 người cùng đoàn kết, chung sống và đặc biệt luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước, giúp đỡ nhân dân trong nước cùng phát triển.

Với mong muốn gìn giữ tiếng nói của cha ông, Hội người Việt Nam tại Thái Lan luôn coi trọng việc dạy và học tiếng Việt của các thế hệ sau. Nhiều gia đình người Việt tại Thái Lan đều sử dụng tiếng Việt hàng ngày…

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước luôn hỗ trợ kiều bào trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt là hoạt động dạy và học tiếng Việt.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết, từ năm 2003-2008, thông qua Quỹ hỗ trợ vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đã có hơn 80 dự án dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài.

Hàng năm, Việt Nam tổ chức trại hè cho thanh niên Việt kiều, đón Việt kiều có công về thăm quê hương đất nước, tổ chức các lớp tham quan về nguồn, tạo cơ hội tìm hiểu, học tập văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với các địa bàn còn khó khăn như Lào, Campuchia, Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng trường học cho con em người Việt Nam...

Văn hóa Việt - món ăn tinh thần không thể thiếu

“Kênh truyền hình dành cho người Việt Nam ở xa tổ quốc - VTV4 giúp người ở xa quê có nhiều thông tin trong nước, được nghe các ca khúc Việt Nam, học thêm được cách nấu nhiều món ăn Việt Nam. Đặc biệt là được thưởng thức các loại hình sân khấu, biểu diễn truyền thống của nước nhà.

Nhiều người cao tuổi, xa quê hơn 30 năm vẫn luôn nhớ tới những làn điệu chèo, câu vọng cổ, quan họ, chầu văn,  khi xem VTV4 đều không cầm được nước mắt…” Bà Phùng Kim Vi, Việt kiều Mỹ tâm sự.

Bà cũng cho biết, thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài không được tiếp xúc nhiều với văn hóa truyền thống, nhưng qua kênh VTV4 cũng biết được nhiều hơn về Việt Nam, nhiều cháu rất thích các món ăn Việt Nam và học nấu món ăn Việt qua tivi.

Mô hình gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà, quây quần bên mâm cơm ấm cúng vẫn được nhiều gia đình người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ và duy trì.

Những ngày lễ Tết chính là dịp để các gia đình người Việt xum vầy, cùng tổ chức Tết Việt để con em biết về truyền thống quê hương. Những hoạt động này là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Áo dài - tà áo thể hiện nét nữ tính, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Phở và những món ngon của Việt Nam có mặt khắp năm châu cùng với cộng đồng người Việt đã có vị trí xứng đáng trong cộng đồng dân cư nước sở tại, ghi dấu ấn về văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Tuy xa quê nhà nhưng hầu như cộng đồng người Việt vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp như tục thờ cúng tổ tiên, đi lễ chùa, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.

Việc hình thành các ngôi chùa Việt ở “trời Tây” trong thời gian qua đã góp phần củng cố đời sống tâm linh cho bà con người Việt ở nước ngoài. Thông qua sinh hoạt tâm linh, nhiều nét đẹp truyền thống đang được ngày càng nhiều người Việt trẻ tuổi trong cộng đồng biết đến.

Các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật của các đoàn nghệ sỹ trong nước ở nước ngoài đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con kiều bào.

Bên cạnh đó, nhiều văn nghệ sỹ người Việt Nam ở nước ngoài cũng thường xuyên về nước biểu diễn nghệ thuật, trưng bày mỹ thuật, hoạt động nhân đạo từ thiện, tham gia công tác đào tạo nghệ thuật tại các trường học...

Ca sỹ Ái Vân đã định cư ở Mỹ từ lâu nhưng liên tục về nước biểu diễn và cũng là đại biểu của Hội nghị người Việt Nam lần thứ nhất. Cô cho biết, các nghệ sỹ Việt Nam ở nước ngoài cũng mong ngóng ngày trở về biểu diễn trên quê hương

Các nghệ sỹ về nước ngày càng nhiều là minh chứng sinh động cho thấy sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với bà con kiều bào nói chung và văn nghệ sỹ nói riêng. Các buổi biểu diễn trong nước là cơ hội để người nghệ sỹ xa quê tiếp cận gần hơn với khán giả trong nước…

Năm 2010, thủ đô Hà Nội sẽ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, đây chính là cơ hội tốt cho văn nghệ sỹ ở nước ngoài đóng góp cho ngày đại lễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục