Nhận diện khó khăn, thách thức khi phát triển đảng trong doanh nghiệp (Bài 2)

Gieo “hạt giống” đảng, tạo động lực phát triển doanh nghiệp

Công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn như số tổ chức đảng, đảng viên còn khiêm tốn; chủ doanh nghiệp còn chưa “mặn mà," hoạt động sinh hoạt còn kém hiệu quả.
Kết nạp Đảng viên mới tại Chi bộ Công ty Cổ phần Dệt may Phú Hòa An. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Số tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp còn khiêm tốn; chủ doanh nghiệp còn chưa “mặn mà," hoạt động sinh hoạt đảng trong doanh nghiệp còn kém hiệu quả…

Doanh nghiệp chưa “mặn mà”

Theo thống kê của các địa phương, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hiện còn rất khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp. Cụ thể, tại Thừa Thiên-Huế hiện có 38 tổ chức đảng trong hơn 5.900 doanh nghiệp, với 1.200 đảng viên.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều tổ chức đảng hơn, 45 tổ chức đảng trong gần 9.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 770 đảng viên. Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 128 tổ chức đảng trong hơn 6.700 doanh nghiệp, với 1.687 đảng viên.

Thành phố Đà Nẵng hiện có nhiều tổ chức đảng nhất trong khu vực với 210 tổ chức đảng (hơn 3.400 đảng viên) nhưng con số này vẫn rất khiêm tốn so với hơn 29.000 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động trên địa bàn.

Về nguyên nhân tình trạng này, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi Vũ Minh Tâm cho biết số lượng đảng viên kết nạp mới hàng năm trong các đơn vị ngoài Nhà nước tại tỉnh vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng hiện có; đảng viên là chủ doanh nghiệp càng ít hơn.

Năm 2023, Quảng Ngãi kết nạp được 83 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có 2 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Số đảng viên được kết nạp chỉ chiếm 0,05% so với tổng số lao động trong loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi đa phần có quy mô sản xuất nhỏ, lực lượng lao động ít, thường xuyên biến động. Do mải kinh doanh nên một số chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thành lập các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức đảng và công tác phát triển đảng viên.

Lễ kết nạp Đảng viên mới tại Chi bộ Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Nguyễn Chín, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, cho rằng so với con số 1.119 tổ chức cơ sở đảng của toàn tỉnh hiện nay, 45 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do không có tổ chức đảng nên có không ít tình huống phức tạp về tư tưởng, trật tự an toàn xã hội trong khu vực doanh nghiệp chậm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Qua khảo sát, Quảng Nam hiện có hơn 1.150 đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp sinh hoạt đảng nơi cư trú. Bên cạnh đó, có 51 doanh nghiệp trong tỉnh có từ 3 đảng viên trở lên nhưng chưa thành lập tổ chức đảng. Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp hiện nay phần lớn rất ít đảng viên, có chi bộ trong nhiều năm không phát triển được đảng viên. Một số chủ doanh nghiệp chưa là đảng viên cũng khiến tổ chức đảng không phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ban tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, hơn 98% doanh nghiệp tại tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này có số lượng lao động ít, không ổn định, làm việc theo ca kíp, giờ giấc không đồng nhất nên người lao động ít có thời gian tham gia vào các tổ chức, hoạt động chính trị-xã hội.

Vì vậy, số lượng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại Thừa Thiên-Huế vẫn còn khiêm tốn với 38 tổ chức cơ sở. Lượng người lao động đang làm việc tại khu vực doanh nghiệp này tuy đông song tỷ lệ phát triển đảng viên rất hạn chế. Lý do, nhiều chủ doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc phát triển đảng. Thậm chí, một số chủ doanh nghiệp lo lắng việc thành lập tổ chức đảng phải làm thủ tục, giấy tờ, báo cáo, công tác hành chính đảng ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, kinh doanh…

Sinh hoạt đảng khó khăn

Một số doanh nghiệp đã thành lập tổ chức cơ sở đảng nhưng lại chưa hoạt động hiệu quả, khó khăn trong sinh hoạt đảng. Tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên-Huế) hiện có 5 Chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 133 đảng viên đang hoạt động, trực thuộc Thị ủy Hương Thủy.

Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hương Thủy Hồ Vũ Ngọc Lợi cho biết việc điều hành, phân công tại nhiều Chi bộ còn gặp trở ngại bởi Bí thư chỉ là người lao động hưởng lương từ doanh nghiệp, bị chi phối bởi thời gian và công việc sản xuất. Trong 5 Chi bộ trên, có 2 Chi bộ liên tiếp 4 năm qua không kết nạp được đảng viên mới. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong một số doanh nghiệp ngoài nhà nước còn mờ nhạt. Nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, chất lượng còn thấp...

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Carlsberg Việt Nam (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã thành lập Chi bộ nhưng hoạt động kém hiệu quả. Bí thư Chi bộ là trưởng một bộ phận kỹ thuật, gặp khó khăn trong việc duy trì sinh hoạt Chi bộ do phải tập trung vào hoạt động chuyên môn. Vốn có hơn 100 đảng viên khi thành lập nhưng đến nay Chi bộ chỉ còn khoảng 60 đảng viên và đang trong quá trình xin giải thể. Nhiều đảng viên đã chuyển sinh hoạt đến nơi cư trú.

Ông Trần Hải Vân, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nêu khó khăn một số Bí thư Chi bộ tại doanh nghiệp phản ánh, hiện nhiều cơ sở đảng trong doanh nghiệp được chuyển về Đảng bộ cấp trên cơ sở tại địa phương quản lý, nên mọi hoạt động không khác gì tổ chức Đảng tại các xã, phường, thôn, khối phố. Điều này khiến chế độ hội họp, thông tin báo cáo, kiểm tra, giám sát quá nhiều; sinh hoạt đảng chưa có sự thay đổi, cải tiến để phù hợp tính đặc thù của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đó cũng là lý do khiến nhiều chủ doanh nghiệp e ngại, không muốn có tổ chức đảng tại đơn vị mình.

Còn theo ông Phạm Văn Hòa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân khiến sinh hoạt đảng trong các doanh nghiệp gặp khó khăn là khó sắp xếp thời gian để hội họp, vì đảng viên thuộc các bộ phận khác nhau, ca trực khác nhau.

Lễ kết nạp Đảng viên tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, phát triển đảng viên mới trong doanh nghiệp gặp khó khăn chung như người lao động còn e ngại phải nghỉ làm khi tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, tham gia hội họp, sinh hoạt đảng; nhiều công nhân, người lao động e ngại viết hồ sơ do chưa nắm rõ thủ tục hành chính. Nhiều nhân viên thường xuyên chuyển công ty, dẫn đến việc bồi dưỡng quần chúng ưu tú gặp khó khăn. Nhiều lao động là người ở trọ xa nên khi tổ chức cơ sở đảng triển khai về địa phương làm lý lịch, nhận xét gặp trở ngại, mất thời gian…

Việc nhận diện, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, rào cản là rất quan trọng trong công tác phát triển đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Qua đó, cấp ủy các cấp tại mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai các giải pháp thiết thực khắc phục tồn tại và đạt hiệu quả tốt hơn sau mỗi năm./.

Bài 1: Phát triển đảng song hành cùng các hoạt động phát triển kinh tế

Bài 3: Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản

Bài 4: Gắn kết để phát triển bền vững, tạo chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục