"Giật mình” với trăm triệu chiếc bao cao su không đạt chất lượng

Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng từ 400 đến 500 triệu bao cao su. Với con số khoảng 26% bao cao su trên thị trường tự do không đạt chuẩn, sẽ có khoảng 100 triệu chiếc bao cao su không đạt chất lượng
"Giật mình” với trăm triệu chiếc bao cao su không đạt chất lượng ảnh 1Bao cao su được bán phổ biến tại các hiệu thuốc. (Ảnh: TTXVN)

Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng bao cao su đã tăng lên đáng kể, từ 2,2% năm 1988 lên 13,6% hiện nay. Nhiều người vẫn coi đây là một “giải pháp vàng” trong công tác phòng chống các dịch bệnh lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, một điều tra gần đây đây về đánh giá chất lượng bao cao su khiến nhiều người không khỏi giật mình khi có đến 26% bao cao su bán trên thị trường tự do tại hai thành phố lớn của Việt Nam không đảm bảo chất lượng.

100 triệu chiếc bao cao su không đạt chuẩn

Điều tra gần đây của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tiến hành về đánh giá chất lượng bao cao su cho thấy, có đến 26% bao cao su bán trên thị trường tự do tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không đảm bảo chất lượng.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi thảo luận chuyên đề về Quản lý chất lượng bao cao su do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và tổ chức PATH (một tổ chức quốc tế phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế) tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Keith Neroutsos - Giám đốc Bộ phận mua sắm, PATH toàn cầu cho biết, mỗi năm, Việt Nam cần khoảng từ 400 đến 500 triệu bao cao su. Như vậy, với con số thống kê khoảng 26% bao cao su trên thị trường tự do không đạt chuẩn như vậy sẽ có khoảng 100 triệu chiếc bao cao su trên thị trường có thể không đạt chuẩn.

“Đây thật sự là một con số đáng cảnh báo về số lượng bao cao su không đạt chuẩn. Nếu so sánh với các quốc gia khác, thì tôi chắc chắn là con số này của Việt Nam cao hơn rất nhiều nước, thậm chí cao gấp đôi so với một số quốc gia khác,” ông Keith Neroutsos thẳng thắn đánh giá.

Các mẫu không đạt chất lượng như bị thủng, độ dày, vấn đề về chất liệu, sai sót trong kiểm soát lô và dấu hợp quy, hàng giả, không đáp ứng tiêu chuẩn về nổ không khí, tỷ lệ chất bôi trơn, kích cỡ, nhăn/quăn...

"Giật mình” với trăm triệu chiếc bao cao su không đạt chất lượng ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AAP)

Kết quả khảo sát gần đây của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy: trên thị trường tự do tại Việt Nam hiện nay, bao cao su chủ yếu được nhập từ nước ngoài, có nhiều mẫu mã, chủng loại đa dạng, xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Indonesia và có loại không rõ xuất xứ. Giá bán dao động từ 1.500 đồng đến 30.000 đồng/chiếc. Hiện nay, số lượng bao cao su trên thị trường chưa được cơ quan nào kiểm tra về chất lượng sản phẩm mà mới chỉ được kiểm tra về nhãn mác, nguồn gốc, hóa đơn.

Thạc sỹ Nguyễn Kim Xuân Nam - Phó Vụ trưởng Vụ quy mô dân số, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho hay, phần lớn bao cao su được cung cấp bởi các đối tác phát triển quốc tế. Toàn bộ phương tiện tránh thai nói chung và bao cao su nói riêng trong chương trình Dân số-Kế hoạch hóa gia đình được Chính phủ mua hay từ nguồn viện trợ đều được tuân thủ theo quy trình kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này đã giảm mạnh kể từ khi Việt Nam đạt tiêu chuẩn nước thu nhập trung bình vào năm 2010.

Từ sau năm 2010, nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước và khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, số lượng bao cao su miễn phí đã giảm xuống đáng kể.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã định hướng đa dạng các kênh cung ứng phương tiện tránh thai, trong đó có bao cao su như: Kênh miễn phí, kênh tiếp thị xã hội do nhà nước quản lý và kênh thị trường tự do.

Các sản phẩm bao cao su trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc... Trong khi đó, nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng, điều này đặt ra vấn đề quản lý các sản phẩm này trên thị trường tự do, đặc biệt về chất lượng sản phẩm.

Cần gấp rút siết chặt quản lý chất lượng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, ước tính số bao cao su do các chương trình của Chính phủ và nhà tài trợ quốc tế cung cấp chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu cả nước, 85% còn lại được cung cấp bởi thị trường tự do, trong khi tại thị trường này chưa có cơ chế quản lý chất lượng chính thức.

Hiện nay, bao cao su cung cấp trên thị trường Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài về. Sau khi nhập vào Việt Nam, việc cung ứng bao cao su nam ở thị trường tự do tập trung thông qua các cơ sở bán buôn nằm ở các thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ các cơ sở bán buôn, bao cao su được mua và phân phối đến các cửa hàng truyền thống và phi truyền thống như hiệu thuốc bán lẻ và các cơ sở thương mại để bán cho người tiêu dùng.

Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS phân tích, bao cao su cần đảm bảo chất lượng để có thể bảo vệ hiệu quả người dùng phòng tránh HIV và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Bao cao su kém chất lượng đẩy người tiêu dùng đến rủi ro có thể mang thai ngoài ý muốn và nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV.

Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng bao cao su không đảm bảo chất lượng, bao rách, hỏng thì mục đích tránh thai không thực hiện được. Ngoài ra, nếu bao cao su không được sản xuất tốt, các chất sử dụng trong quá trình sản xuất có thể gây độc cho người sử dụng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đồng thời làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Chính vì vậy, Việt Nam cần có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ đối với chất lượng lượng bao cao su trên thị trường để phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm hiệu quả tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

"Giật mình” với trăm triệu chiếc bao cao su không đạt chất lượng ảnh 3(Ảnh minh họa: businessweek)

Bà Hương phân tích, chiều hướng dịch HIV có sự thay đổi trong giai đoạn vừa qua. Hình thái dịch bước đầu thay đổi, trước kia, hầu như các nguy cơ dịch đều theo đường tiêm chích ma túy cao nhất, những năm đầu của vụ dịch, bệnh HIV chỉ có khoảng 5-7% là qua đường lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, cho đến nay theo báo cáo thống kê quốc gia, năm nay là năm thứ 25 và dịch cũng chuyển sang một hình thái khác, lan tràn theo hướng khó kiểm soát hơn là lây truyền qua đường tình dục. Hiện nay, tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã lên tới con số đó là 31%.

Chia sẻ quan điểm của mình, đại diện Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, trên thị trường bao cao su cũng như muôn vàn các hàng hóa khác sản phẩm kém chất lượng còn phổ biến. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Việt Nam 95% hàng hóa bị làm giả. Về mặt hàng bao cao su, hiện nay tại Việt Nam chưa có sản xuất giả, chỉ có hàng giả từ nước ngoài tràn vào, nhất là Trung Quốc.

Theo vị đại diện trên, nguyên nhân là do, vấn đề hàng rào kỹ thuật tại Việt Nam vừa thiếu vừa yếu nên khâu giám sát quản lý chất lượng hàng hóa ngay ở cửa khẩu kém. Vì vậy, các nhà quản lý nên chăng ngoài việc xây dựng lộ trình bàn thêm các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Hiện nay, mặt hàng bao cao su được xếp vào nhóm hàng hóa nhóm 1: đó là sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn, là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Các sản phẩm này được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố, áp dụng.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia đều kiến nghị đề xuất đưa bao cao su vào danh mục hàng hóa thuộc nhóm 2 cần có sự quản lý đặc biệt. Bởi hàng hóa ở nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho con người, động vật, thực vật…

Vì vậy, các đại biểu đề xuất, Việt Nam cần thiết lập một cơ chế chính thức cho việc kiểm soát chất lượng bao cao su trên thị trường tự do; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm trong hoạt động thương mại đối với sản phẩm bao cao su./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục