Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, hàng fake (hàng giả) làm nền kinh tế thế giới tổn hại 600 tỷ USD mỗi năm. Một con số khiến nhiều người giật mình, nhưng đó lại lạ sự thật. Không chỉ gây ra những tổn thất về giá trị nó còn mang đến nhiều hệ lụy khôn lường khác. Những sản phẩm được nhái nhiều nhất thuộc về lĩnh vực thời trang. Hầu hết các thiết kế hàng đầu của các thương hiệu thời trang xa xỉ đều bị làm nhái. Điều này đã khiến các nhãn hàng tổn thất cả về mặt doanh thu và hình ảnh. Trước những biến hóa khó lường của hàng fake, các chính phủ và các nhãn hàng đều đã và đang có những hành động quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn này. Tại châu Âu, hàng fake được kiểm soát rất chặt chẽ. Đối với những mặt hàng đã đăng ký bảo hộ với EU như Hermès, Louis Vuitton… nếu bị phát hiện bán hàng fake, không những người bán bị tịch thu hàng mà còn bị phạt tiền rất nặng, có thể lên đến vài nghìn USD. Ở một số nước như Ý và Pháp, không chỉ người bán mà kể cả người mua cũng sẽ bị phạt nếu bị phát hiện đang mua hàng fake. Hình phạt cao nhất dành cho người mua hàng fake ở Pháp lên đến 300.000 euro hoặc ngồi tù ba năm. Theo số liệu công bố của Ủy ban châu Âu, số lượng hàng nhái vào châu Âu đang ngày càng tăng, trong đó phần nhiều thuộc nhóm hàng thời trang. Năm 2011, hải quan tại đây đã hơn 91.000 lần bắt được các lô hàng giả, tăng 15% so với năm 2010. Năm 2010, hàng fake vào châu Âu tăng gấp đôi so với năm 2009 và có giá trị lên tới 1,3 tỷ USD. Theo thống kê của Hải quan EU, ở châu Âu có đến 70% hàng giả, hàng nhái bị giữ lại ở cửa khẩu; 30% vẫn lọt qua biên giới (khoảng vài triệu sản phẩm). Ước tính hàng giả tại hải quan là 200 tỷ USD, lớn hơn GDP của 150 nước. Chính phủ Trung Quốc - “thủ đô” của hàng fake - cũng đang thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để loại bỏ hàng nhái. Theo số liệu từ Cục An ninh Mỹ, chỉ trong ba tháng đầu năm 2013, cảnh sát nước này đã thực hiện 22.000 vụ bắt giữ hàng fake với tổng giá trị lên đến 47 triệu USD. Các chiến dịch xóa bỏ hàng fake sẽ được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong năm 2013. Bên cạnh nỗ lực của các chính phủ, các nhãn hàng nổi tiếng cũng đã “tham chiến” và dành được những thắng lợi nhất định. Louis Vuitton, thương hiệu thời trang bị nhái nhiều nhất thế giới đã giành được công lý cho mình ở nhiều nơi. Theo ước tính không chính thức, có đến 99% sản phẩm gắn mác Louis Vuitton trên thị trường là hàng fake. Năm 2011, Louis Vuitton đã buộc eBay phải bồi thường 26,5 triệu USD khi có tới 90% túi xách của Louis Vuitton được bán trên trang này là hàng nhái. Sau đó, Louis Vuitton tiếp tục giành được thắng lợi trong vụ kiện hai công ty thời trang ở Canada và nhận được 1,4 triệu USD tiền bồi thường. Cũng trong năm 2011, Louis Vuitton khởi kiện một tiểu thương tại Sài Gòn Square và buộc người này phải bồi thương 68 triệu đồng. Nhãn hàng Gucci cũng đã chiến thắng trong vụ 150 tên miền tại Mỹ liên quan đến hàng fake. Tòa án Florida, Mỹ đã yêu cầu 150 tên miền phải bồi thường 144,2 triệu USD cho Gucci vì đã bán hàng nhái của hãng. Năm 2008, Gucci cũng đã buộc một công ty sản xuất giày của Trung Quốc phải bồi thường 25.700 USD khi cố tình “lập lờ” giữ hàng của họ và hàng của Gucci. Cũng giống như Louis Vuitton và Gucci, Chanel đã thực hiện nhiều hành động pháp lý để ngăn chặn những kẻ tiếp tay cho hàng nhái. Hồi đầu năm, Chanel đã buộc hai phụ nữ tại Florida bồi thường 800.000 USD vì đã bán túi xách và đồng hồ fake của hãng. Ngày 24/10, Chanel cũng đã nộp đơn kiện một nhóm những nhà bán lẻ đã bán hàng nhái lên tòa án Miami, bị đơn của vụ kiện lên đến 200 người và 150 tên miền. Năm 2011, Chanel cũng có một vụ kiện tương tự tại Las Vegas với số bị đơn lên đến 399 tên miền.
(Nguồn: AFP/Getty Images)
Những chiếc túi xách của Hermès cũng là nạn nhân của những kẻ mượn danh. Hàng tỷ chiếc túi Hermès fake được buôn bán trên thị trường khiến hãng này thất thu hàng triệu USD. Năm 2011, Hermès đã buộc eBay phải bồi thường 27.500 USD vì đã bán những chiếc túi Hermès fake. Cũng năm đó, Hermès kiện và giành thắng lợi trước hai công ty Canada và được bồi thường 1,1 triệu USD. Những vụ thắng kiện của Louis Vuitton, Gucci, Chanel,.. dù còn khiếm tốn, nhưng cũng được coi là một giải pháp hiệu quả để trấn áp những kẻ mượn danh và những người tiếp tay cho hàng fake./.
(Đẹp/Vietnam+)