Bộ trưởng dạy Toán 1 mà không cho học sinh viết vào sách, tôi bỏ nghề

Giáo viên Toán "thách đố" Bộ trưởng Bộ Giáo dục dạy Toán lớp Một

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thử dạy được toán lớp Một mà không cho học sinh viết vào sách, tôi xin bỏ nghề dạy học,” thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy toán trường THPT Lương Thế Vinh tuyên bố.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thử dạy được toán lớp Một mà không cho học sinh viết vào sách, tôi xin bỏ nghề dạy học,” thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy toán trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh nói.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, thầy Tùng cho biết, thầy rất ngạc nhiên khi ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu giáo viên “hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở”, học sinh “không viết, vẽ vào sách giáo khoa.” Bộ cũng yêu cầu các sở giáo dục, trường “xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm.”

Viết vào sách là thuận tiện, tạo hứng thú cho học sinh?

Thầy Tùng cho biết, ngay khi nghe thông tin về chỉ thị này, thầy đã mở sách giáo khoa Toán lớp Một và nhận thấy trừ trang bìa và mục lục, trang nào cũng cần học sinh phải viết, vẽ trực tiếp vào sách. Các trang đều có các bài yêu cầu học sinh nối, vẽ, tô màu, điền số… với các nội dung tương ứng với mỗi bài học.

Theo thầy Tùng, việc học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách như hiện nay là thuận tiện, tạo hứng thú học tập và phù hợp xu thế phát triển chung. Cách làm này giúp tăng tính tương tác khi học sinh được quan sát, thao tác ngay trên hình vẽ, số liệu được cung cấp, được học Toán, làm Toán trong cùng một quyển sách theo nhiều cách như nối hình, viết số, điền số, khoanh hình, đếm hình… Sách cũng tạo hứng thú học tập cho học sinh khi được in màu và có nhiều hình vẽ minh họa.

Sách giáo khoa của Mỹ cũng yêu cầu học sinh nối, vẽ vào sách. (Nguồn: Thầy Trần Mạnh Tùng)

“Tôi đã tham khảo sách Toán lớp Một của một số nước tiên tiến như của Mỹ và thấy sách giáo khoa của họ cũng có tính tương tác tương tự, thậm chí còn nhiều hơn, đa dạng hơn sách giáo khoa của Việt Nam. Yêu cầu sách giáo khoa ngày nay phải như sách cách đây 30, 40 năm là lạc hậu và cổ hủ, giống như bây giờ bắt xem tivi đen trắng” thầy Tùng nói.

Trước nhiều ý kiến về sử dụng sách giáo khoa theo cách viết, vẽ vào sách như hiện nay là lãng phí, thầy Tùng cho rằng cần phải quan tâm đến tính thuận tiện, hiệu quả của việc sách dùng một lần.

[Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị về sử dụng sách giáo khoa]

“Không thể đòi hỏi sách dùng nhiều lần nhưng vẫn đảm bảo tính tương tác cao cho học sinh. Trong trường hợp cần phải lựa chọn thì cần phải đặt mục tiêu giáo dục lên cao hơn vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Ở những nơi khó khăn thì nhà nước có cơ chế hỗ trợ để mua sách giáo khoa mới. Bắt các cháu học mà không viết vào sách thì còn tai hại hơn nhiều,” thầy Tùng nói.

Bài trong sách giáo khoa Toán, lớp Một, trang 12. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo thầy Tùng, việc lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa một lần chỉ là một phần rất nhỏ trong những lãng phí khác đang diễn ra trong ngành giáo dục, trong khi lại mang lại lợi ích giáo dục cao hơn.

“Ví dụ, từ ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm thì tiền photo bài tập của học sinh cấp 3 còn gấp hàng chục lần tiền mua sách giáo khoa,” thầy Tùng chia sẻ.


Không thể dạy mà không viết vào sách?

Thầy Tùng cho rằng, với chương trình giáo dục hiện hành thì giáo viên không thể dạy học hiệu quả mà không cho học sinh viết vào sách giáo khoa.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, thầy Tùng viện dẫn sách giáo khoa môn Toán của lớp Một có các bài yêu cầu học sinh nối hình, nối số tương ứng, yêu cầu học sinh tô màu, viết số, điền số và dấu thích hợp vào ô trống, khoanh các chấm theo số lượng tương ứng, có bài yêu cầu vẽ thêm, gạch bớt để số lượng các phần bằng nhau…

“Theo chỉ thị của Bộ, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động và ghi kết quả vào vở. Vậy học sinh sẽ tô màu, nối hình, nối số… thế nào vào vở? Muốn làm thế thì chắc chắn các em sẽ phải vẽ lại, viết lại, chép lại mẫu đề bài tập vào vở rồi mới có thể thực hiện các yêu cầu liên quan.

Như thế chắc phải trình độ họa sỹ chứ học sinh lớp Một còn đang học viết từng nét ngang, nét sổ, nét móc, chưa viết nổi một chữ hoàn chỉnh thì các con sẽ làm thế nào? Mặt khác, việc chỉ viết kết quả vào vở mà không gắn với hình ảnh cũng giảm tính tương tác, trực quan, giảm hứng thú với học sinh. Phụ huynh chắc sẽ chỉ còn một cách là mua thêm một quyển sách nữa để con viết, vẽ vào sách.”


[Bộ Giáo dục: Sẽ quán triệt nhà xuất bản để tái sử dụng sách giáo khoa]

“Tôi không hiểu Bộ trưởng có nhầm lẫn gì đó không khi ra chỉ thị đó, hoặc là Bộ trưởng chưa từng nhìn sách giáo khoa, đơn cử như sách giáo khoa lớp Một? Yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa là bất khả thi và đi ngược lại khoa học giáo dục. Với chương trình hiện hành, không một giáo viên nào có thể không cho học sinh viết, vẽ vào sách mà vẫn đảm bảo các mục tiêu của việc dạy học, trừ khi có sách mới, chương trình mới,” thầy Tùng nhận định.

Thầy giáo dạy Toán của trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh nhấn mạnh: "Nếu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dạy được dù chỉ một tiết, chương trình Toán lớp Một mà không cho học sinh viết vào sách, tôi xin bỏ nghề dạy học."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục