Giáo viên robot gây sốt tại hơn 600 nhà trẻ của Trung Quốc

Cao chưa tới 60cm, robot Keeko có thiết kế thân hình mũm mĩm, không tay, với chiếc đầu tròn được trang bị cảm biến định hướng và camera ghi hình, đang trở thành một hiện tượng tại Trung Quốc.
Giáo viên robot gây sốt tại hơn 600 nhà trẻ của Trung Quốc ảnh 1Robot Keeko. (Nguồn: AFP)

Trong vai trò trợ giảng, robot Keeko đang trở thành một hiện tượng tại hơn 600 nhà trẻ của Trung Quốc.

Chú robot có ngoại hình dễ thương và thân thiện với trẻ em thể hiện tham vọng ứng dụng robot và tự động hóa vào ngành giáo dục tại nền kinh tế thứ hai thế giới này.

Cao chưa tới 60cm, robot Keeko màu trắng có thiết kế thân hình mũm mĩm, không tay, với chiếc đầu tròn được trang bị cảm biến định hướng và camera ghi hình.

Với giá 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD), Keeko có khả năng kể chuyện và hướng dẫn trẻ em giải các câu đố logic đơn giản.

[Hơn 6 triệu người lao động Anh mất việc làm vào tay robot thập kỷ tới]

Khi các em trả lời đúng, Keeko thậm chí có thể đưa ra phản ứng khuyến khích với ánh mắt phát sáng lấp lánh.

Các nhà sản xuất cho biết họ đã thiết kế Keeko với mục đích tạo ra một robot có ngoại hình thân thiện với trẻ em, từ đó thúc đẩy sự tương tác trong quá trình giảng dạy.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục, ngay cả giáo viên tại những cơ sở đang thử nghiệm Keeko, tin rằng việc robot thay thế hoàn toàn con người trong vai trò giảng dạy tại các lớp học vẫn sẽ là chuyện của tương lai xa xôi.

Theo ý kiến chuyên gia, dạy học là quá trình tương tác, trao đổi thông tin qua giao tiếp đa chiều bao gồm bằng mắt, biểu cảm và tiếp xúc chứ không phải chỉ bó hẹp trong ngôn ngữ và nội dung được lập trình sẵn.

Tại Trung Quốc, robot đang được sử dụng để giao hàng, làm bạn với người lớn tuổi, tư vấn pháp lý và sự xuất hiện của Keeko đại diện cho tham vọng đưa robot ứng dụng vào ngành giáo dục.

Keeko hiện đã có mặt tại hơn 600 nhà trẻ trên khắp Trung Quốc và những người tạo ra Keeko kỳ vọng sản phẩm của họ có thể tìm được chỗ đứng trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới này và vươn ra thị trường Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đầu tư mạnh tài chính và cả nhân lực vào phát triển trí tuệ nhân tạo, một phần trong chiến lược "Made in China 2025" của chính phủ.

Theo Hiệp hội Robot quốc tế, Trung Quốc hiện đứng đầu về số lượng robot sử dụng trong ngành công nghiệp, với khoảng 340.000 robot tham gia vào hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, thị trường robot dịch vụ của nước này ước tính đạt doanh thu 1,32 tỷ USD trong năm ngoái và được dự báo có thể lên tới 4,9 tỷ USD vào năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục