Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn vừa sức, phù hợp bối cảnh dịch bệnh

Theo một số giáo viên môn Ngữ văn, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông có cấu trúc quen thuộc và không quá khó với thí sinh.
Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn vừa sức, phù hợp bối cảnh dịch bệnh ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+))

Nhận định về đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sáng nay, một số giáo viên cho rằng đề thi vừa sức với thi sinh. Đánh giá đề thi ở ngưỡng an toàn, thiếu sự mới mẻ nhưng các giáo viên cũng cho rằng điều này phù hợp với bối cảnh thí sinh chịu nhiều thiệt thòi vì tác động của dịch COVID-19 trong hai năm học vừa qua.

Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho hay đề bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Cụ thể, ở phần Đọc hiểu gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Hai câu đầu (câu 1 và 2) là câu hỏi dễ, mở mức nhận biết về một khía cạnh của nội dung văn bản.

Câu 3 ở mức độ thông hiểu, yêu cầu học sinh trình bày cách hiểu của mình về một hiện tượng cụ thể, từ đó khái quát lên những quy luật trong cuộc sống con người. Theo cô Tuyết, đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh  không chỉ nhận thức được nội dung ý nghĩa của cấu trúc ngôn từ mà còn cần kết hợp với trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống để hướng tới những vấn đề lớn lao, mang tính vĩnh hằng trong cuộc sống con người. Do đó, đây là một câu hỏi thông hiểu ở mức độ khó và mang tính phân loại cao.

Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích. Nếu kết hợp với vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội, học sinh có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi số 4 về “lẽ sống cống hiến.”

Phần Làm văn giữ nguyên cấu trúc gồm hai phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học.

[Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT]

Câu một yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến”, nghĩa là yêu cầu học trò đề cập đến ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, giá trị… của ý thức “sống cống hiến” đối với mỗi con người cũng như toàn xã hội. Cô Tuyết cho rằng đây là một vấn đề rất lớn lao, rất ý nghĩa đồng thời quen thuộc trong thi ca, văn học, trong cuộc sống hàng ngày… nên hoàn toàn sẽ không làm khó cho học trò.

Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn vừa sức, phù hợp bối cảnh dịch bệnh ảnh 2Thí sinh Nguyễn Xuân Trường, người đầu tiên rời điểm thi Trung học phổ thông Phan Đình Phùng sau buổi thi môn Ngữ văn tự tin cho biết em có thể đạt khoảng 7 đến 8 điểm. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Câu 2 là câu hỏi nghị luận văn học, vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc với yêu cầu thứ nhất là thí sinh cảm nhận về ba khổ trong bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh. Yêu cầu thứ hai mang tính chất khái quát và nâng cao khi yêu cầu học trò nhận xét về “vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”. “Đây là vấn đề không mới, càng không hề khó với học trò,” cô Tuyết cho hay.

Đề thi không khó cũng là nhận định của cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Theo cô Phương, câu hỏi nghị luận xã hội về “sự cần thiết phải biết sống cống hiến” là tư tưởng đạo lý gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không làm khó thí sinh. Câu hỏi phần văn học hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12 nên những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được điểm cao ở câu này.

“Với đề thi này, học sinh học lực trung bình nếu nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp; học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7; học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên,” cô Phương nói.

Đánh giá chung về đề các giáo viên cho rằng đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề thi vừa sức, quen thuộc, dù hơi thiếu sự mới mẻ. Tuy nhiên, điều này cũng phù hợp trong bối cảnh học sinh đã phải chịu nhiều tác động vì dịch COVID-19 trong hai năm học vừa qua, nhất là trong giai đoạn cuối cùng của năm học này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục