Giáo viên Hà Nội nuôi ếch xanh, giúp học sinh thành phố làm nông dân

Mỗi giáo viên đều có những phương pháp trực quan sinh động nhằm hướng dẫn, giúp các em học sinh nắm bắt kiến thức một cách tự nhiên, hứng thú.
Cô giáo Nguyễn Phương Thanh chia sẻ về đổi mới phương pháp dạy học. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Cô giáo nuôi ếch xanh để làm giáo cụ trực quan cho học sinh trong giờ sinh học, đưa học sinh đến các nông trại để các em đến gần với thực tế trong môn kỹ thuật nông nghiệp hay liên hệ với các trung tâm nghiên cứu để học sinh được trải nghiệm về nghiên cứu khoa học…

Đó là những nỗ lực của các giáo viên Hà Nội nhằm mang đến bài giảng hấp dẫn và sinh động hơn cho học trò, giúp cho mỗi giờ học trở nên nhẹ nhàng và đầy hứng thú..., được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chấm xét danh hiệu nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm học 2018-2019 bậc trung học phổ thông vào ngày 23/9.

Phương pháp “điểm lầy lớn nhất”

Mang đến ban chấm giải một chú ếch xanh, cô Phạm Thị Hải Yến, giáo viên môn Sinh học Trường Trung học phổ thông Xuân Khanh, Sơn Tây, cho biết, đây là chú ếch mà cô đã nuôi để làm giáo cụ trực quan, giảng dạy cho học sinh trong bài học về quá trình sinh trưởng phát triển của động vật, đặc biệt là động vật biến thái và không biến thái.

“Khi quan sát trực quan các em có thể hiểu bài ngay và cũng giúp cho giờ học trở nên sinh động, học sinh rất hứng thú,” cô Yến chia sẻ.

Chú ếch xanh nhỏ chỉ là một trong rất nhiều những mẫu vật trực quan sinh động mà cô Yến chuẩn bị cho những bài giảng của mình.

Học tập các phương pháp giáo dục tiên tiến, ngay từ khi nhận lớp, cô đã khích lệ từng học trò nói lên ước mơ của mình, từ đó hun đúc để học sinh xây dựng kế hoạch đạt được  ước mơ đó. Theo cô Yến, việc giúp học trò có hoài bão được cô coi như chiến lược giáo dục riêng để định hướng chuyên môn từ đầu. Trong giảng dạy, cô khích lệ học sinh của mình vày tỏ quan điểm riêng xung quanh bài giảng để tập thể phản biện và ngược lại, chú trọng vận dụng kiến thức chuyên môn vào cuộc sống.

[Hà Nội xét giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm học 2018-2019]

Trong mỗi giờ giảng, cô sử dụng nhiều phương pháp để tương tác với học sinh. Với phương pháp “điểm lầy lớn nhất,” học sinh sẽ ghi lại những phần kiến thức mà mình chưa hiểu hoặc muốn hiểu kỹ hơn, dán lên bảng, cô đọc các thông tin đó để hiểu được mong muốn của các em. Từ đó, cô giảng thêm và rút kinh nghiệm các phần học sinh quan tâm hay khó hiểu để dạy bài tốt hơn.

Với phương pháp “6 chiếc mũ tư duy,” cô Yến đặt các câu hỏi cho học sinh và sử dụng 6 chiếc mũ với 6 màu khác nhau, mỗi màu tương ứng với một kiểu tư duy như mũ màu đen là tư duy phản biện, màu đỏ là tư duy cảm xúc,  mũ màu xanh là tư duy sáng tạo… Các em sẽ tự lên trình bày ý tưởng của mình. Với phương pháp này, cô giúp cho học sinh học hỏi cách tư duy đa chiều, nhìn và phát triển vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó tự tìm hiểu sâu và phát triển được nội dung bài học.

“Qua các thế hệ học sinh, tôi thấy việc ứng dụng các phương  pháp giáo dục tích cực đã giúp cho số học sinh khá giỏi tăng lên, số học sinh trung bình giảm và không còn học sinh yếu kém,” cô Yến cho biết.

Video cô giáo Nguyễn Hải Yến chia sẻ về đổi mới phương pháp dạy học:

Giúp học sinh thành phố làm... nông dân

Với cô Tạ Thị Thảo, giáo viên môn Kỹ thuật nông nghiệp, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, làm sao để học sinh hứng thú với môn học là một điều luôn khiến cô trăn trở. “Với học sinh Thủ đô, Kỹ thuật nông nghiệp là môn học rất xa lạ, nhưng tôi hiểu đây là một môn học rất cần thiết với các em. Làm sao để không bỏ rơi học sinh và cũng không để học sinh bỏ rơi môn học này là điều tôi suy nghĩ rất nhiều,” cô Thảo chia sẻ.

Quyết tâm đưa học sinh đến gần hơn với nông nghiệp, cô Thảo đã xây dựng các chuyên đề ngoài lớp và chủ đề tự chọn với mục đích đưa kiến thức trong sách vở trở thành thực tiễn thông qua các hoạt động trải nghiệm. Cô đưa học sinh của mình đến các nông trại, các hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực ngoại thành như huyện Đông Anh (Hà Nội) hay Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Ở đó, học sinh sẽ được làm tất cả các công việc của một người nông dân, từ dọn cỏ, cuốc đất, trồng rau, bắt sâu đến thu hoạch sản phẩm. Những hoạt động thực tế về công việc mới mà nhiều học sinh thành phố chưa từng được làm nên các em rất hứng thú. Bài học về kỹ thuật nông nghiệp cũng từ đó tự thấm vào học sinh một cách tự nhiên.

Cô Thảo báo cáo với ban giám khảo về những sáng tạo trong dạy học. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Bên cạnh các buổi thực tế ngoài nhà trường, cô Thảo còn tổ chức nhiều hoạt động ngay chính trong khuôn viên trường. Ở đó, cô biến các bài giảng lý thuyết kỹ thuật khô khan, xa vời với học sinh thành các các buổi báo cáo, triển lãm tranh, làm mô hình hay ngày hội văn hóa ẩm thực, kết hợp chủ đề ẩm thực-bảo quản-chế biến và ứng dụng kinh doanh. Học sinh có thể tạo ra các gian hàng ở sân trường để xét nghiệm nhóm máu miễn phí, thí nghiệm làm sữa chua, hoa đổi màu…

Với phương pháp học tập bằng hoạt động trải nghiệm, những giờ học kỹ thuật nông nghiệp của cô Thảo không chỉ mang đến cho học sinh tri thức mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo, sự năng động và trách nhiệm trong công việc chung.

“Năm học này là năm thứ 4 tôi áp dụng các phương pháp giảng dạy trên và đã có thể khẳng định hiệu quả mang lại rất cao. Bây giờ, học sinh Yên Hòa rất thích học kỹ thuật nông nghiệp,” cô Thảo vui vẻ nói.

Video cô Thảo chia sẻ cách để đưa môn Kỹ thuật nông nghiệp đến gần hơn với học sinh:

Rèn học sinh tự học

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thanh, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, lại mang đến buổi xét giải kinh nghiệm mới trong đào tạo học sinh giỏi ở trường chuyên.

Theo cô Thanh, với học sinh trường chuyên, giáo viên phải truyền được lửa đam mê môn học cho các em và phải hướng dẫn học sinh tự học. Để rèn học sinh tự học, với lớp chuyên, cô Thanh cho các em tự ra đề thi, xây dựng hướng dẫn chấm và tự chấm chéo cho nhau. Với lớp thường, cô xây dựng kế hoạch phù hợp với từng lớp, cho học sinh tự biên soạn câu hỏi và phần trả lời.

Hoạt động trải nghiệm cũng có nhiều điểm khác với trường thường. Học sinh không chỉ cọ xát thực tế, các em còn được trải nghiêm ở các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có liên quan đến môn học, cọ xát trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực đồng bằng bắc bộ dành cho các trường chuyên  của nhiều tỉnh.

Video cô Nguyễn Phương Thanh chia sẻ về sự khác biệt trong dạy học sinh trường chuyên:

Là tổ trưởng tổ hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cô Thanh luôn nỗ lực tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu về khoa học kỹ thuật bằng cách cho học sinh tham quan các viện nghiên cứu, bệnh viện, ứng dụng công nghệ thông tin. Cô cũng mời các nhà khoa học, các chuyên gia đến để trao đổi về cứu khoa học, truyền lửa đam mê cho học trò. Cô tổ chức cho học sinh tập báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, tổ chức cuộc thi khoa học cấp cụm để học sinh cọ xát. Với những nỗ lực đó, học sinh Trung học phổ thông Chu Văn An luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế.

Lắng nghe các chia sẻ của giáo viên, tiến sỹ Nguyễn Ngọc  Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (ban giám khảo xét giải) cho biết, ông cảm thấy rất vui khi nhận thấy các giáo viên đã có rất nhiều sáng kiến, ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy. “Đặc biệt với bậc trung học phổ thông, khi các giáo viên chịu nhiều áp lực về kết quả thi của học sinh, thì những nỗ lực đổi mới dạy học tích cực của các giáo viên càng đáng trân trọng,” tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục