Giáo viên gốc Việt miệt mài với sự nghiệp trồng người ở Campuchia

Hai cô giáo mang khả năng, tâm huyết của mình góp phần giúp đồng bào gốc Việt tại Preah Sihanouk dễ dàng hòa nhập cuộc sống sở tại và truyền lại văn hóa Việt Nam cho các thế hệ mầm non gốc Việt.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý (trái) và đại diện công ty OpenNet chúc mừng hai cô giáo Nguyễn Thị Sương (áo đỏ) và Trần Thị Hoài An. (Ảnh: Trần Long/TTXVN)

Tôn sư, trọng đạo vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngày 20/11 hằng năm không chỉ là dịp để các học trò thể hiện lòng thành kính với thầy cô, mà còn là dịp để xã hội tri ân những người đã, đang gắn bó với “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý,” dù ở nơi “đất khách, quê người.”

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, chiều 19/11, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam cùng Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk và đại diện nhà tài trợ, Công ty OpenNet (King Technologies) đã đến thăm lớp học tiếng Việt/Khmer tại trụ sở Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk chúc mừng cô giáo Nguyễn Thị Sương và cô giáo Trần Thị Hoài An (Sok Ann) nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Hai cô giáo hết sức xúc động và chuyển lời cảm ơn đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Lãnh sự quán và nhà tài trợ đã luôn dành sự quan tâm đối với đồng bào ở xa Tổ quốc, trong đó có cá nhân hai cô.

Hai cô khẳng định sẽ đem hết khả năng và tâm huyết của mình để góp phần giúp đồng bào gốc Việt tại thành phố Preah Sihanouk vừa dễ dàng hòa nhập cuộc sống sở tại, vừa mang “cái chữ,” “cái nghĩa” của dân tộc Việt Nam đến với bà con, nhất là các thế hệ mầm non gốc Việt tại địa bàn.

Nằm trong khuôn viên của trụ sở Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk, lớp học tiếng Việt của bà giáo Sương (69 tuổi) đã duy trì được gần 15 năm nay.

[Những người thầy miệt mài gieo con chữ “nơi cùng trời” Kể Cả]

Các cháu nhỏ gốc Việt theo học lớp của bà phần lớn đều đọc thông, viết thạo tiếng Việt và có hiểu biết về đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để luôn hướng về quê hương, nguồn cội.

Càng ý nghĩa hơn, nhiều cháu người Campuchia theo học lớp của bà cũng đã đọc thông viết thạo tiếng Việt và làm việc ở vị trí chủ chốt tại một số doanh nghiệp của Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk, góp phần là cầu nối giữa doanh nghiệp này với chính quyền và nhân dân sở tại.

Cô giáo Nguyễn Thị Sương (phải) tiếp nhận một số đầu sách tiếng Việt của Nhà xuất bản Dân trí tặng các cháu thiếu nhi gốc Việt. (Ảnh: Trần Long/TTXVN)

Cùng nằm trong khuôn viên này là lớp học tiếng Khmer dành cho bà con gốc Việt do Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk tổ chức.

Lớp học nhằm mục đích hỗ trợ bà con gốc Việt có đủ điều kiện cần thiết để nhập quốc tịch Campuchia cũng như sinh sống ổn định tại Campuchia hiểu rõ văn hóa sở tại và hòa nhập tốt hơn vào xã hội sở tại.

Giáo viên dạy lớp học này là cô Trần Thị Hoài An (28 tuổi), là một người gốc Việt đã tốt nghiệp Đại học Quản trị Kinh tế của thành phố Preah Sihanouk và đang làm việc cho một công ty viễn thông tại thành phố này.

Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự quán và Công ty OpenNet đã gửi các phần quà đến tri ân các nhà giáo gốc Việt tại các tỉnh Koh Kong, Kampot, Kep, Takeo và Kampong Speu thông qua Ban Chấp hành Hội Khmer Việt Nam tại các tỉnh thuộc địa bàn Tổng Lãnh sự quán phụ trách.

Tổng Lãnh sự quán đã gửi tặng các cháu thiếu nhi gốc Việt một số đầu sách tiếng Việt của Nhà xuất bản Dân trí với mục đích giúp các cháu dễ dàng tiếp cận chữ viết và văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục