Giao tranh bùng phát dữ dội tại thủ đô Tripoli của Libya

Ngày 29/8, giao tranh lại nổ ra tại thủ đô Tripoli của Libya sau khi lệnh ngừng bắn giữa chính phủ và một nhóm vũ trang bị đổ vỡ.
Xe tăng của một bên giao tranh ở Tripoli. (Nguồn: libyaobserver.ly)

Ngày 29/8, giao tranh lại nổ ra tại thủ đô Tripoli của Libya sau khi lệnh ngừng bắn giữa chính phủ và một nhóm vũ trang bị đổ vỡ.

Một sỹ quan thuộc các lực lượng trung thành với Chính phủ Libya xác nhận giao tranh đang diễn ra tại các khu vực ngoại ô phía Nam của thủ đô Tripoli.

Một lực lượng phối hợp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đã mở cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của Lữ đoàn 7. Lực lượng nổi dậy này đang tìm cách mở rộng khu vực chiếm giữ dọc con đường dẫn đến sân bay quốc tế của Tripoli, vốn phần lớn bị đóng cửa kể từ khi giao tranh bùng nổ năm 2014.

[Libya đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại thủ đô Tripoli]

Trước đó, các vụ đụng độ đã bùng phát tại miền Nam Libya từ ngày 26/8. Bộ trưởng Nội vụ Libya Abdulsalam Ashour cho biết giao tranh xảy ra giữa các lực lượng an ninh thuộc GNA được Liên hợp quốc ủng hộ và Lữ đoàn 7- một nhóm vũ trang hoạt động dưới quyền Bộ quốc phòng thuộc GNA.

Theo Bộ Y tế Libya, riêng trong ngày 27/8, các vụ đụng độ ở ngoại ô thủ đô Tripoli đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng và 33 người bị thương. Theo các nhân viên cứu trợ, hàng trăm người di cư đã bị mắc kẹt tại các trung tâm tạm giữ của Chính phủ Libya sau khi lính gác chạy trốn khỏi xung đột đẫm máu trong những ngày vừa qua. Ước tính khoảng 400 người đã bị bỏ rơi mà không có lương thực tại trung tạm giữ Ain Zara của chính phủ.

Đến ngày 28/8, Bộ trưởng Ashour tuyên bố hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, người dân khẳng định đụng độ lại bùng phát tại khu vực Salaheddin, phía Nam thủ đô Tripoli vào ngày 29/8.

Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar  hậu thuẫn.

GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục