Giao tranh giữa các binh sỹ Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) và các tay súng chống đối đã diễn ra ác liệt trong ngày cuối tuần qua.
Thông tin ban đầu cho biết binh sỹ Liên hợp quốc đã tiêu diệt 15 tay súng thực hiện tấn công nhằm vào căn cứ của MINUSMA ở thành phố Timbuktu, miền Bắc Mali.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, một binh lính của MINUSMA quốc tịch Burkina Faso đã thiệt mạng và nhiều người khác đã bị thương sau 4 giờ giao tranh.
Đại diện của quân đội Pháp, quốc gia tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali, cho biết bảy binh lính của nước này đã bị thương, ít hơn một nửa so với con số mà các nhà chức trách Mali công bố trước đó.
Ông Jean-Pierre Lacroix, người đứng đầu MINUSMA, cho biết các đối tượng chưa rõ danh tính đã tìm cách xâm nhập và tấn công vào căn cứ của phái bộ, nằm gần sân bay Timbuktu.
Một số đối tượng đã cải trang thành binh lính của lực lượng gìn giữ hòa bình hòng qua mắt lực lượng an ninh.
Chúng đã cho nổ hai xe bom, trong đó có một xe được sơn giống màu xe của lực lượng vũ trang Mali và xe còn lại mang logo của Liên hợp quốc.
[Lực lượng Pháp và Mali tiêu diệt 30 phần tử cực đoan]
Binh sỹ MINUSMA đã kiểm soát được tình hình sau khi được các máy bay chiến đấu từ một căn cứ của Pháp ở nước láng giềng Niger cũng như các máy bay trực thăng mang theo binh lính tiếp viện.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án vụ tấn công nhằm vào MINUSMA, coi đây là tội ác chiến tranh và những kẻ cố tình cản trở hòa bình sẽ bị trừng trị.
Ông kêu gọi chính quyền Mali và các nhóm vũ trang tham gia thỏa thuận hòa bình nhanh chóng xác định kẻ chủ mưu vụ tấn công trên.
Tổng Thư ký đồng thời khẳng định những hành động bạo lực này sẽ không thể cản trở quyết tâm của MINUSMA trong việc hỗ trợ người dân Mali tái thiết hòa bình và ổn định.
Cùng với quan điểm trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng ngày đã lên án vụ tấn công nhằm bào MINUSMA, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mali nhanh chóng làm rõ vụ việc và đưa thủ phạm ra xét xử.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho rằng những đối tượng lên kế hoạch, chỉ đạo hay hỗ trợ các vụ bạo lực nhằm vào MINUSMA sẽ bị trừng phạt theo nghị quyết của cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc này.
Miền Bắc Mali rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm thánh chiến liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng nổi dậy người Tuareg từ tháng 3/2012.
Đến tháng 1/2013, Pháp khởi xướng cuộc can thiệp quân sự quốc tế đánh đuổi các tay súng Hồi giáo ra khỏi miền Bắc Mali và MINUSMA được triển khai vài tháng sau đó.
Mặc dù thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 6/2015 giữa Chính phủ Mali và liên minh nổi dậy do người Tuareg đứng đầu, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài kiểm soát của chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Các binh sỹ trong thành phần MINUSMA thường xuyên là mục tiêu tấn công của các tay súng thánh chiến hoạt động tại miền Bắc và Trung Mali, khiến đây trở thành "vùng đất chết chóc nhất" đối với các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được triển khai trên thế giới.
Hồi tháng 5/2017, căn cứ quân sự của Liên hợp quốc cũng hứng chịu một cuộc tấn công, khiến một binh lính của lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tịch Liberia thiệt mạng và chín người khác bị thương.
Vào tháng 8/2017, những đối tượng có vũ trang đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ trên - nơi đồn trú của các binh lính Minusma đến từ nhiều quốc gia - làm bảy thành viên của lực lượng an ninh thiệt mạng trong khi sáu đối tượng tấn công bị tiêu diệt.
Khoảng 4.000 lính Pháp đã được triển khai tại Mali cùng với 12.000 binh lính trong phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại đây để hỗ trợ nước này giải quyết những vấn đề liên quan các phần tử thánh chiến cực đoan - lực lượng đã tham gia cuộc nổi dậy ly khai của dân tộc thiểu số Tuareg năm 2012./.