Sáng 9/7, trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh ổn định; phần lớn các tuyến đường có lượng phương tiện lưu thông không đông như những ngày trước đó.
Ghi nhận tại các tuyến đường trục chính kết nối vào trung tâm thành phố, lượng phương tiện lưu thông ít hơn nhiều so với khi thành phố thực hiện Chỉ thị 10 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trước đó. Chỉ một số tuyến đường khu vực trung tâm trong giờ cao điểm sáng hoặc các tuyến “luồng xanh” theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có lượng phương tiện đông hơn.
Đường Trường Chinh, Cộng Hòa hướng từ quận 12 và huyện Hóc Môn vào trung tâm thành phố, là tuyến đường có phương tiện lưu thông rất lớn và thường xuyên ùn tắc giao thông trước đây. Tuy nhiên, trong giờ cao điểm sáng ngày 9/7, giao thông thông thoáng, lượng phương tiện đi chuyển dễ dàng qua các “nút thắt” như: giao lộ Trường Chinh-Tây Thạnh, cầu vượt Hoàng Hoa Thám, nút giao Cộng Hòa…
Tương tự, đại lộ Phạm Văn Đồng, đường Quang Trung... cũng khá thông thoáng ở cả hai chiều ra vào trung tâm thành phố. Chỉ một số khu vực trung tâm thành phố như nút giao thông Hàng Xanh, các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Lê Duẩn có lượng phương tiện hơi đông trong giờ cao điểm (khoảng 7-8 giờ sáng). Đây là thời điểm người dân di chuyển vào nơi làm việc ở khu vực trung tâm thành phố. Khoảng hơn 8 giờ, các tuyến đường này khá vắng.
[Đồng Nai: Thêm 15 ca dương tính liên quan chợ đầu mối Hóc Môn]
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã hạn chế hoạt động bay chở hành khách đi, đến Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 9/7. Riêng đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội giảm tải còn tối đa 1.700 khách/ngày/chiều. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khá ít phương tiện đi lại.
Trong khi đó, khu vực một số tuyến quốc lộ ở vùng ven như Quốc lộ 22, Quốc lộ 1… có khá nhiều phương tiện lưu thông, do đây là những tuyến vận tải chính kết nối các địa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các phương tiện di chuyển chủ yếu là xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa, xe chở chuyển gia, công nhân trong khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ “quá cảnh” qua Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, các xe được ưu tiên di chuyển qua “luồng xanh” là xe ôtô vận chuyển hàng hóa thiết yếu; vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân; vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn thành phố; vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ôtô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông “quá cảnh” qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh...
Từ ngày 9/7, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức lại hoạt động của 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Trong sáng 9/7, một số khu vực cửa ngõ ra vào thành phố bị ùn ứ giao thông tại các chốt kiểm soát trong giờ cao điểm. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng hướng dẫn, điều tiết để ổn định tình hình ngay sau đó./.