Sau tai nạn thảm khốc, đèo Prenn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Giao thông ở đèo Prenn chưa được cải thiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ngày 20/6, xe ôtô các loại vẫn lưu thông bình thường trên đèo Prenn theo hướng lên-xuống và tại hai điểm đầu của đèo chỉ có bảng thông báo với nội dung đường đang thi công.
Giao thông ở đèo Prenn chưa được cải thiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh 1Cảnh sát giao thông có mặt tại đèo Prenn sau vụ tai nạn xảy ra ngày 19/6. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến bảy người thiệt mạng tại chỗ ở km223 + 300 trên Quốc lộ 20 đoạn đèo Prenn, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), tình hình giao thông ở đây vẫn chưa được cải thiện, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngày 20/6, việc phân luồng giao thông trên tuyến đèo Prenn, cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn chưa được thực hiện theo ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào tối 19/6.

Theo ý kiến của ông Yên sau vụ tai nạn, tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai việc phân luồng giao thông trên đường đèo Prenn ngay trong ngày 20/6. Cụ thể, tuyến đường này sẽ được sử dụng một chiều từ thành phố Đà Lạt xuống đường cao tốc Đà Lạt-Liên Khương và ngã ba Phi-nôm. Riêng tuyến lên, các phương tiện vận tải sẽ đi theo tuyến đường Quốc lộ 20B qua đèo Mimoza.

Tuy nhiên, ngày 20/6, xe ôtô các loại vẫn lưu thông bình thường trên đèo Prenn theo hướng lên và xuống. Tại hai điểm đầu của đèo chỉ có bảng thông báo của đơn vị thi công với nội dung đường đang thi công và đề nghị các phương tiện đi theo tuyến đèo Mimoza. Các ngành chức năng cũng chưa thực hiện giải pháp nào khác.

Từ sáng 20/6, lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra hiện trường vụ tai nạn và có mặt tại chân đèo Prenn. Tuy nhiên, các đơn vị này chưa thực hiện việc điều tiết, phân luồng giao thông do phải chờ văn bản chỉ đạo chính thức của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Trong khi đó, đường Quốc lộ 20 đoạn đèo Prenn là đoạn đường rất quanh co, tầm nhìn hẹp; đường hẹp, độ dốc cao; mật độ giao thông dày vì có rất nhiều điểm tham quan, du lịch quanh khu vực này. Hàng ngày, lưu lượng xe cộ qua lại, ra vào các điểm du lịch khá dày đặc. Đoạn gần chân đèo Prenn đang được thi công cải tạo (nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc) có phần đường dành cho phương tiện lưu thông khá hẹp và được chia đôi bằng dải phân cách di động. Mỗi chiều lên-xuống chỉ vừa đủ cho một làn xe đi qua nên khá nguy hiểm.

Hiện đơn vị thi công đoạn đường này là Công ty Tấn Lộc (mua lại gói thầu từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu Trang, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã tạm nghỉ sau khi vụ tai nạn xảy ra vào ngày 19/6. Một số bảng cảnh báo "đường đang thi công" vừa được bổ sung đặt trên đoạn đường này.

Trước đó, làm việc với tỉnh Lâm Đồng sau vụ tai nạn thương tâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằn, tuyến đường đèo Prenn có địa hình phức tạp, một bên là vực sâu, một bên là núi nên rất khó để mở rộng. Về lâu dài, đoạn đường này sẽ được giao cho tỉnh quản lý và nên hạn chế các loại xe được hoạt động trên tuyến đường này. Tuyến Quốc lộ 20 chính thức qua khu vực này sẽ được chuyển sang đường đèo Mimoza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục