Giao thông gián đoạn tại nhiều nước ở châu Âu do bão Ciara

Do ảnh hưởng của bão Ciara, giao thông hàng không, đường sắt và đường thủy tại nhiều nước đều bị ảnh hưởng với hàng trăm chuyến bay bị hủy, dịch vụ đường sắt, đường thủy ngừng hoạt động.
Giao thông gián đoạn tại nhiều nước ở châu Âu do bão Ciara ảnh 1Bão lớn gây ảnh hưởng tại Anh. (Nguồn: dailystar)

Dịch vụ hàng không và đường sắt tại khu vực Tây Bắc châu Âu đã bị gián đoạn trong ngày 10/2 sau khi bão Ciara mang theo mưa to và gió lớn quét qua Anh và Ireland.

Mức cảnh báo màu cam đã được ban bố tại khu vực miền Bắc nước Pháp, Bỉ và Ireland. Tại Pháp, người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực bờ biển do nguy cơ bão mạnh lên.

Trong khi đó, khu vực miền Bắc nước Anh đang trong tình trạng ngập lụt trên diện rộng và Văn phòng Khí tượng Anh (MET) duy trì cảnh báo tình trạng mưa to, gió lớn và tuyết rơi dày đặc.

Theo MET, khu vực phía Tây Bắc làng Welsh ở Aberdaron ghi nhận sức gió kỷ lục gần tâm bão là 150km/h.

Hồ nhân tạo Wet Sleddale thuộc công viên quốc gia Lake District của xứ England ghi nhận lượng mưa hơn 150mm trong 24 giờ qua.

[Siêu bão Sabine gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu]

Sáng 10/2, Anh vẫn duy trì hơn 170 cảnh báo ngập lụt tại hầu hết các địa phương ở Bắc England và dọc khu vực bờ biển phía Nam.

Thị trấn Tây Yorkshire và  thị trấn lân cận Mytholmroyd là 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão khi đường phố ngập nước, ôtô bị nhấn chìm.

Tính đến tối 9/2, có 62.000 hộ gia đình trên toàn nước Anh sống trong cảnh mất điện. 

Do ảnh hưởng của bão Ciara, giao thông hàng không, đường sắt và đường thủy tại một loạt nước Bỉ, Ireland và Đức đều bị ảnh hưởng với hàng trăm chuyến bay bị hủy, dịch vụ đường sắt, đường thủy ngừng hoạt động.

Tại Bỉ, toàn bộ các trang trại gió của Bỉ ngừng hoạt động đề phòng nguy hại do bão Ciara.

Trong khi đó, Australia liên tiếp trải qua các trạng thái thời tiết cực đoan, từ các đợt nóng gây cháy rừng trên diện rộng, đến mưa bão xối xả.

Liên tiếp trong 4 ngày qua, những cơn mưa như trút nước bao trùm khu vực bờ biển phía Đông của Australia xua đi cái nóng nực từ các đám cháy rừng trong vài tháng qua tại đây.

Lượng mưa ghi nhận tại thành phố Sydney và khu vực lân cận lên tới gần 400mm - mức cao nhất trong 30 năm qua. Lượng nước tại đập Warragamba - nơi cung cấp khoảng 4% lượng nước sinh hoạt ở Sydney, đã tăng từ khoảng 40% đến 60% chỉ trong hơn 1 tuần.

Sở cứu hỏa nông thôn bang New South Wales đã phải nhanh chóng tổ chức lại các biện pháp ứng phó với lũ lụt và thiệt hại do bão sau khi thời tiết đột ngột chuyển từ nắng nóng sang mưa bão.

Cơ quan khẩn cấp bang New South Wales chuyên ứng phó với mưa lũ đã nhận được hơn 2.700 cuộc gọi xin hỗ trợ khẩn cấp. Từ ngày 5/2 đến nay, cơ quan này nhận được tổng cộng 10.000 cuộc gọi.

Bang New South Wales đã rơi vào tình trạng hạn hán kể từ năm 2016, khiến lượng nước trên các sông và đập giảm xuống mức thấp nghiêm trọng.

Thời tiết nắng nóng đã làm bùng phát nhiều đám cháy trong thời gian qua, khiến không khí tại nhiều thành phố của bang này ô nhiễm do khói mù. Tính đến sáng 10/2, vẫn còn 33 đám cháy rừng tại bang New South Wales.

Giới chuyên gia cho rằng địa phương này cần thêm nhiều cơn mưa lớn để lắng dịu tình trạng hạn hán kéo dài từ hơn 3 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục