Do nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đông, nhiều hành khách về quê đã rất vất vả để có thể chen chân trên hành trình hồi hương. Và với họ, mỗi lần lên xe dù biết nhà xe “nhồi nhét” và tự ý “hét” giá vé nhưng vẫn phải cam chịu để được về đoàn tụ gia đình.
Nhà xe tự đặt… giá vé
Ngay từ sáng nay (30/4), các tuyến đường dẫn về bến xe và cửa ngõ thủ đô, mật độ phương tiện tăng cao đột biến đã dẫn đến ùn tắc cục bộ. Đầu giờ chiều, tại bến xe Giáp Bát, rất đông hành khách đi tuyến ngăn như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam… tập trung trước cổng và trong khu vực bến xe để tìm cách bắt xe.
Khi xe tại các tỉnh quay về bến, cánh cửa xe vừa mở ra, hàng loạt hành khách vội vàng chen chân lên xe nhằm tìm kiếm một chỗ ngồi. Chưa đầy 15 phút, xe đã ken cứng người ngồi. Cá biệt, để chở thêm nhiều khách, nhà xe đã bày cả ghế nhựa dọc lối đi trên xe để “nhét” người.
Trên trục đường Giải phóng-Kim Đồng và đầu đường Pháp Vân, nhìn thấy đông người đợi xe, cánh tài xế và lơ xe lại ra sức “chèo kéo” người dân dù trên xe không còn chỗ trống. Nhiều hành khách vì đợi lâu quá nên cũng cố gắng leo lên xe bất kể đứng cả quãng đường về nhà.
Đỗ xịch trong khu vực xếp nốt [PV-hành trình] sau khi ở Ninh Bình lên Hà Nội, chỉ chừng 10 phút sau, xe khách Biển kiếm soát 35H-1084 của Công ty cổ phần vận tải ôtô Ninh Bình đã “nêm” cứng hành khách và xuất bến về quê. Sau chừng nửa tiếng xuất phát, chiếc xe chuyên chở được 25 chỗ nhưng đã được nhà xe tăng tải tới gần 40 người.
Ổn định chỗ ngồi, nhà xe cũng tự động “hét” giá vé khi phụ xe đi thu đồng giá 100.000 đồng/người kể cả là về Hà Nam (giá vé niêm yết trên tuyến là 70.000 đồng), tăng tới hơn 40% so với ngày thường.
Nhiều hành khách bức xúc thì nhận được câu trả lời cụt lủn của nhà xe với lý do, ngày lễ. Tuy nhiên, họ cũng không biết phản ánh cho ai bởi đơn giản trên xe không công bố đường dây nóng như quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Giá vé tăng, khách bị “nhồi nhét” cũng là tình trạng chung cũng xảy ra với nhiều tuyến khác như Nam Định, Thanh Hóa khi được nhà xe “chặt chém” từ 1,5 đến 2 lần.
Chỉ trong 2 giờ đồng hồ chiều nay, chốt trực trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ của Thượng úy Nguyễn Quan Hưng, Đội Cảnh sát giao thông số 8, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản tới 10 trường hợp xe khách chung với lỗi chở quá số khách quy định.
Nộp biên bản xử phạt vi phạm luật giao thông, lái xe Cao Đức Thiện chạy tuyến Thái Bình-Hà Nội bảo, ngày nghỉ lễ 30/4, lượng khách hành trình này tăng gấp 5-7 lần. Công ty đã tăng cường xe, quay vòng tần suất hoạt lên động. Tuy nhiên, khách đông nên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
“Xe vừa dừng bến, khách ồ ạt leo lên. Biết là đông nhưng nhiều người không xuống nên nhà xe cũng đành lòng chở bởi họ kêu không đi giờ thì chả biết có về được nhà không,” lái xe Thiện phân trần.
Xử lý nghiêm xe vi phạm
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên bến xe Hà Nội cho biết, từ 10 giờ ngày hôm qua (29/4), lượng khách tại các bến bắt đầu tăng mạnh chủ yếu tập trung vào các tuyến: Quảng Ninh, Thanh hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng yên…
“Đặc biệt, trên các quốc lộ, lượng xe tham gia giao thông rất đông, các phương tiện di chuyển chậm. Do đó, các xe trong tuyến chưa kịp về bến để tham gia chạy tăng cường nên việc giải tỏa khách gặp nhiều khó khăn,” ông Tùng Anh cho hay.
Tuy nhiên, vị Giám đốc Công ty này cũng thẳng thắn nói, bến xe đã phối hợp với các đơn vị vận tải và đến sáng ngày 30/4, lượng khách ở các bến tiếp tục đông nhưng xe đã tiếp tục được tăng cường nhằm giải tỏa hành khách.
Liên quan đến vấn đề nhà xe tự ý tăng giá vé, ông Tùng Anh khẳng định, đến nay, công ty không nhận được bất kỳ thông báo tăng giá cước chính thức nào từ phía các doanh nghiệp vận tải trong dịp nghỉ lễ này. Giá vé vẫn giữ nguyên như ngày thường.
“Hành khách đã mua vé trong quầy bán của bến, khi ra ngoài còn bị nhà xe thu thêm thì vui lòng ghi lại biển số xe, phản ánh về cho lãnh đạo công ty. Chúng tôi hứa sẽ kiên quyết xử lý ngay,” ông Tùng Anh khẳng khái nói.
Riêng trường hợp khách bắt xe dọc đường bị nhà xe “hét” giá, theo ông Tùng Anh, nếu có bằng chứng, bến xe cũng sẽ điều tra và xử lý nghiêm minh nhưng việc này phụ thuộc nhiều vào phản ánh của hành khách và việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra.
Đề cập đến việc “nhồi nhét” người đi đường mà xe xuất phát từ bến, ông Tùng Anh nói, công ty đã lập biên bản xử lý hơn 10 trường hợp xe chạy tuyến Quảng Ninh “nhồi” khách từ trong bến Mỹ Đình.
“Ngoài việc yêu cầu nhà xe hạ tải, và đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn, chúng tôi cũng đã lập biên bản, sau kỳ nghỉ lễ mới xử lý, có thể là đình chỉ hoạt động 1-3 ngày, nặng thì có thể từ chối xếp nốt,” ông Tùng Anh khẳng định.
Đề cập đến mức phạt vi phạm với hành vi chở quá số người quy định, theo Thượng úy Nguyễn Quang Hưng, Đội Cảnh sát giao thông số 8, Luật Giao thông xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe khi phạt lái xe chở quá số người quy định là 400.000 đồng/người đối với hành trình dưới 300km và 900.000 đồng/người với tuyến xe khách trên 300km.
Thượng úy Hưng cũng khuyến cáo hành khách và người dân nên đón xe trong bến để đảm bảo đầy đủ quyền lợi người đi đường, tránh trường hợp bắt xe ngoài đường, tuyến quốc lộ vì không đảm bảo an toàn giao thông và bị nhà xe “chặt chém”./.
Tính đến trưa ngày 30/4, tại bến Giáp Bát đã có 1.517 lượt xe xuất bến với gần 39.500 hành khách (tăng tới 167% so với ngày thường); tại bến Gia Lâm cũng có tới 721 lượt xe xuất bến với 21.450 hành khách và bến Mỹ Đình là 1. 689 lượt xe (tăng cường 248 xe) với gần 48.000 hành khách (tăng 134% so với ngày thường).