Ngày 11/2 vừa qua, Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc đã chính thức trao bằng công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nhân dịp này, Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê, người đã góp nhiều công sức trong việc bảo tồn cũng như giới thiệu loại hình âm nhạc đặc biệt này ra thế giới.
- Thưa giáo sư, việc UNESCO đưa Đờn ca tài tử vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một niềm tự hào, nhưng sau đó cũng còn là nỗi buồn vì loại hình âm nhạc này cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Theo giáo sư, vì sao giới trẻ ngày càng không mặn mà với Đờn ca tài tử Nam Bộ?
Giáo sư Trần Văn Khê: Giới trẻ quay lưng với Đờn ca tài tử là căn bệnh mãn tính lâu rồi và cũng có lý do. Tôi đã viết 28 chương về vấn đề này với tựa đề ''Căn bịnh mãn tính của Âm nhạc truyền thống Việt Nam.''
Ngày xưa, khi Việt Nam là nước thuộc địa, Pháp không cấm Đờn ca tài tử, nhưng mà người ta đẩy lùi loại hình âm nhạc này vô bóng tối. Người Pháp ra sức phổ biến văn nghệ của phương Tây.
Trong mấy chục năm chiến tranh, không có Đờn ca tài tử và cũng không loại hình âm nhạc truyền thống gì hết. Toàn dân bỏ nghệ thuật qua một bên, tập trung tư tưởng để đánh giặc cứu nước.
Xong rồi, sau 30 năm chiến tranh thì nước nghèo quá nên cả nước tập trung tư tưởng làm sao cho có cơm ăn áo mặc, chứ đâu có thời gian nghĩ tới văn nghệ. Thành ra những yếu tố lịch sử và thời cuộc đó làm cho lớp thanh niên quay lưng với loại hình âm nhạc truyền thống này, chứ không phải chúng chê dở mà quay lưng.
Rồi tới hồi ra học Đờn ca tài tử, học cực khổ quá mà đờn chỉ được chừng năm chục ngàn đồng, còn học đờn theo tân nhạc thì kiếm được cả trăm ngàn, có khi bạc triệu. Thành ra người thanh niên thấy là bỏ sức ra học Đờn ca tài tử để rồi chết đói. Tự nhiên họ sẽ ruồng bỏ Đờn ca tài tử. Đó là yếu tố kinh tế.
Ngoài ra còn có yếu tố tâm lý. Người nào học Đờn tài tử thường tự ti mặc cảm cho rằng mình thua người ta. Cho nên mấy đứa học đờn cò thì giấu cây đờn cò. Còn ai học violin thì đưa cây violin ra. Tất cả yếu tố đó đều làm cho thanh niên bỏ Đờn ca tài tử mà nghĩ đến chuyện khác.
Sau nay đến thời kỳ hội nhập, giới trẻ lại chạy theo nhạc trẻ của Hàn Quốc. Nghệ sỹ HànQuốc, Đài Loan bước qua nước Việt Nam thì cả nước đi đón. Một cái vé bán cả triệu đồng mà người ta vẫn mua như thường.
Trong khi đó, các chương trình Đờn ca tài tử như "Tiếng hát quê hương," triệu tập những người biết thương nhạc dân tộc tập luyện cả tháng để ra một chương trình có giá trị, gửi 600 vé miễn phí mà chỉ có 200 người đi còn 400 người ném vé vô thùng rác.
Trong thời kỳ hội nhập, có một trào lưu say mê lối nhạc trẻ mà bỏ luôn Đờn ca tài tử.
- Thưa giáo sư, Đờn ca tài tử Nam Bộ có bề dày lịch sử khá lâu, nhưng đến nay mới được thế giới công nhận, trễ hơn nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác ở Việt Nam. Việc công nhận này có ý nghĩa như thế nào với loại hình âm nhạc này, thưa giáo sư?
Giáo sư Trần Văn Khê: Việc UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể làm cho giới trẻ giật mình và quan tâm tới Đờn ca tài tử nhiều hơn nữa. Lớp thanh niên giật mình và nghĩ sao mà nước ngoài người ta còn thấy cái hay, mà mình không thấy gì hay cả. Thành ra việc tôn vinh này nó làm cho có ích lợi cho sự phát triển của Đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử có thừa tiêu chuẩn để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hồi trước, tiêu chuẩn đánh giá khắt khe hơn bây giờ nhiều. Trong đó có tiêu chí về bề dày của lịch sử. Đó là điều rất quý, vì trước tới giờ chỉ có người đồng điệu, chưa có người đồng thanh.
Đầu tiên chỉ có người Việt ở miền Nam biết Đờn ca tài tử. Dần dần nó mới ra tới miền Trung và miền Bắc, và nước ngoài. Nhưng nó cũng chỉ phổ biến trong cộng đồng người Việt Nam. Bây giờ người nước ngoài người ta xem xét được như vậy cũng là một điều đáng mừng.
Thật ra Đờn ca tài tử được thế giới biết đến từ rất lâu rồi. Năm 1972, nhạc sư Vĩnh Bảo và tôi đã thâu thanh một số bản Đờn ca tài tử tại Paris. Đĩa hát đó đã được hoan nghênh rất nhiều. Thời kỳ ấy, UNESCO đã phái người liên hệ và làm đĩa hát Đờn ca tài tử. Có thể nói UNESCO khi đó đã gián tiếp nhìn nhận Đờn ca tài tử của Việt Nam có giá trị, nên họ mới bỏ tiền ra làm như vậy.
Đến năm 1993-1994, đĩa của UNESCO mà nhạc sư Vĩnh Bảo và tôi thâu được chuyển thành CD. Đĩa hát đó là đĩa bán chạy nhất tại châu Âu năm 1994. Tức là không phải những người chuyên nghiên cứu mới thích Đờn ca tài tử, mà dân chúng cũng thích. Dân chúng đâu có học hỏi nhiều về Đờn ca tài tử, họ nghe khoái lỗ tai thì mới mua. Điều đó cho thấy dân chúng thời đó đã gián tiếp bỏ thăm cho Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Hồi đầu thế kỷ 20, ban nhạc Tài tử của ông Nguyễn Tống Triều được mời đi qua tham gia hội chợ thuộc địa tại Marseille, Pháp, rồi.
- Theo giáo sư, chúng ta nên làm gì để giữ gìn và phát huy loại hình âm nhạc truyền thống này?
Giáo sư Trần Văn Khê: Chưa chắc có sự tôn vinh mà thanh niên quay trở lại với Đờn ca tài tử. Nhưng có lẽ, nhờ sự kiện này mà giới trẻ thức tỉnh. Và hơn nữa, khi đã được tôn vinh rồi thì trong nước sẽ có một chính sách bảo tồn và phát triển làm sao cho nó đừng có biến chất.
Không thể mang Đờn ca tài tử Nam Bộ mà làm du lịch được. Du khách biết gì về Đờn ca tài tử mà nghe? Trong 10 phút, cả đoàn du lịch ghé lại mà nghe đờn 2-3 bản thì làm cho Đờn ca tài tử giảm giá trị. Trong những buổi đờn đó, người đờn đâu có vui và hào hứng mà đờn? Họ đờn để lấy tiền. Đâu phải làm như vậy mà giúp Đờn ca tài tử tiến bộ được? Cho nên phải cẩn thận và đừng biến âm nhạc Tài tử thành một bộ môn sân khấu. Và đừng biến cho nó thành một món hàng.
Phải gìn giữ cái chất của Đờn ca tài tử, tức là phải nghệ thuật không vụ lợi, mà nó là phải một cuộc tiêu khiển nghệ thuật. Nếu được thì nên mang loại hình âm nhạc này đem vô giảng ở các trường học và phải để cho Đờn ca tài tử phát triển tự nhiên.
-Xin cảm ơn giáo sư!/.