Giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất bỏ khái niệm 'tiên học lễ, hậu học văn'

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng khái niệm "trồng người", quan điểm "tiên học lễ, hậu học văn" hay hình ảnh coi thanh niên là "cánh tay phải" không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất bỏ khái niệm 'tiên học lễ, hậu học văn' ảnh 1Giáo sư Trần Ngọc Thêm. (Ảnh: TTXVN)

Tính thụ động trong giáo dục Việt Nam thể hiện đậm đặc qua khái niệm “trồng người,” tính phục tùng “tiên học lễ, hậu học văn” kiềm chế con người sáng tạo. Vì thế không nên tiếp tục sử dụng rộng rãi các quan điểm này.

Đây là đề nghị của giáo sư Trần Ngọc Thêm, giáo sư đầu ngành của cả nước về văn hóa học, đặc biệt chuyên sâu về văn hóa Việt Nam, tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.” Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11.

“Bắt bệnh” giáo dục Việt Nam

Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, xã hội truyền thống của Việt Nam là "xã hội âm tính," ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, khép kín, với thói cào bằng, đố kỵ và thói dựa dẫm ỷ lại.

Cụ thể, trong điều tra về triết lý giáo dục của ông cùng nhóm nghiên cứu trong năm 2020, bệnh thụ động chiếm ở vị trí thứ 4, thói cào bằng đố kỵ ở vị trí thứ 6, thói dựa dẫm ỷ lại đứng vị trí số 8 trong các tật xấu của người Việt.

Phẩm chất thường đánh giá cao trong văn hóa Việt Nam không phải là tính tiên phong hay sự tự tin mà là sự khiêm tốn và khiêm tốn theo cách hiểu không phải là đánh giá đúng mình mà là nhún nhường, hạ thấp mình.

Trong giáo dục, tính thụ động thể hiện ở mọi nơi: Con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ, người học trong quan hệ với người dạy và người dạy thụ động trong quan hệ với nhà trường, nhà trường thụ động trong quan hệ với bộ máy cấp trên.

“Tính thụ động của người Việt hội tụ đậm đặc trong giáo dục qua khái niệm ‘trồng người.’ Cách nói này cứ đến 20/11 lại được vang lên rất nhiều lần. Chúng tôi đề xuất không nghĩ và nói ‘trồng người,’ giáo sư Trần Ngọc Thêm nói.

Ông cho rằng trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ chỉ nói từ “trồng người” duy nhất một lần trong một cuộc nói chuyện với giáo viên: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người,” và đây là ý Bác mượn của Quản Trọng, một Tể tướng nước Tề thời Xuân Thu.

“Do chúng ta gắn bó với nghề trồng lúa nước nên chúng ta thích hình ảnh này chứ đây không phải là hình ảnh thường trực trong tư duy của Bác Hồ,” giáo sư Trần Ngọc Thêm phân tích.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất bỏ khái niệm 'tiên học lễ, hậu học văn' ảnh 2Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng giáo dục phải hướng đến đào tạo con người chủ động, sáng tạo, trung thực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “tiên học lễ, hậu học văn,” đề cao sự phục tùng. “Bác không nhắc đến chữ ‘lễ’ trong cuộc đời của mình, Bác càng không nhắc đến ‘tiên học lễ hậu học văn’ một lần nào. Bác thường đặt tài trước đức: ‘tìm người tài đức.’ Lênin thì nói thẳng rằng: Đối với chúng ta, một chuyên gia thạo công việc của mình thì 10 lần quý hơn người đảng viên cộng sản huyênh hoang,” giáo sư Thêm viện dẫn.

["Cần làm giàu thêm cho học sinh lòng xót thương, đồng cảm và chia sẻ"]

Cũng theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, để có con người sáng tạo thì cần đề cao tính dân chủ trong giáo dục, coi trọng bản lĩnh. Tuy nhiên, ‘bệnh’ thiếu bản lĩnh đứng vị trí số 3 trong cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu. Cách quản lý giáo dục hiện nay vô tình khuyến khích cho việc học thuộc lòng như sách giáo khoa ngắn gọn, học theo văn mẫu, chấm thi theo đáp án khiến học sinh, sinh viên không được nói khác với những gì mình đã học.

Nghiên cứu cũng chỉ ra “bệnh” thành tích, “bệnh” phong trào, “bệnh” đối phó là những “bệnh nặng” của giáo dục. Ba căn “bệnh” này dẫn đến “bệnh” giả dối. Cụ thể, trong cuộc điều tra về triết lý giáo dục năm 2020, có 77,4% người được hỏi thừa nhận bệnh giả dối đứng vị trí số 1 trong số 15 tật xấu, 73,8% thừa nhận gian lận trong giáo dục đứng vị trí số 3 trong 13 nhược điểm của giáo dục Việt Nam.

Phải thay đổi triết lý giáo dục

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng để đổi mới giáo dục thì chìa khóa là triết lý giáo dục, trọng tâm trong triết lý giáo dục là sứ mệnh và mục tiêu. Sứ mệnh của xã hội Việt Nam hiện nay là xây dựng một xã hội phát triển và mục tiêu cuối cùng là cần có con người sáng tạo. Vì vậy, triết lý giáo dục là phải thay đổi từ hướng đến xã hội ổn định sang hướng đến xã hội phát triển.

Sứ mệnh này được cụ thể hóa bằng 6 mục tiêu mà ông cùng nhóm nghiên cứu đã đề xuất trong đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về triết lý giáo dục vừa được nghiệm thu, đó là học để làm việc, học để sáng tạo, học trung thực, học làm người, học chung sống và học để tổ chức; trong đó học để sáng tạo là mục tiêu cao nhất. Để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động và con người trung thực. Để có con người chủ động thì cần loại trừ tính thụ động ở người dưới và tính áp đặt ở người trên.

Ông kiến nghị cần thay đổi quan niệm và không sử dụng những biểu đạt mang tính thụ động như con ngoan trò giỏi trong cách hiểu là dễ bảo, vâng lời; phải giải thích cho xã hội hiểu “trồng người” không nằm trong triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh; không sử dụng hình ảnh “cánh tay phải” khi nói về thanh niên.

“Trong quan điểm của Hồ Chủ tịch, thanh niên là người chủ tương lai của đất nước. Người chủ không phải là cánh tay mà là khối óc. Để có con người chủ động thì điều quan trọng là thanh niên phải tự tin, phải rèn luyện tư duy phản biện, phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông. Điều này là rất quan trọng vì hiện nay chúng ta vẫn thường đi theo số đông, tâm lý số đông chi phối. Phải rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch và khoa học. Tôi cũng đề nghị Trung ương Đoàn nên thay huy hiệu đoàn. Hiện nay, ngoài Việt Nam, trên thế giới chỉ có Canada là sử dụng cánh tay trong huy hiệu đoàn,” giáo sư Trần Ngọc Thêm nói.

Ông cũng đề xuất không dùng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vì không thể hiện được tính dân chủ trong giáo dục. Giáo dục phải khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo; chống học thuộc lòng; thay đổi quan niệm về sách giáo khoa; không ra đề thi kèm đáp án; giáo dục cá nhân hóa…

Để có con người trung thực, ngành giáo dục phải dạy và học trung thực, xây dựng liêm chính học thuật, chống bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó.

“Mắt xích trung tâm trong toàn bộ quá trình này là triết lý giáo dục. Cốt lõi triết lý giáo dục trong nghĩa hẹp là phải tập trung ba phẩm chất: sáng tạo, chủ động và trung thực. Trọng tâm của triết lý này trong giai đoạn trước mắt là chủ trương học thật, thi thật, nhân tài thật như Thủ tướng đã phát động,” giáo sư Trần Ngọc Thêm nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục