Giáo sư Nhật nói về vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mekong-Nhật Bản

Báo Japan Times - tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản - số ra ngày 6/10 đã đăng bài viết của giáo sư Ryo Ikebe, khoa Kinh tế, đại học Senshu về hợp tác Mekong-Nhật Bản và vai trò của Việt Nam.
Giáo sư Nhật nói về vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mekong-Nhật Bản ảnh 1(Nguồn: Thành Hữu/Vietnam+)

Báo Japan Times - tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản - số ra ngày 6/10 đã đăng bài viết của giáo sư Ryo Ikebe, khoa Kinh tế, đại học Senshu về hợp tác Mekong-Nhật Bản và vai trò của Việt Nam.

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của Tiểu vùng sông Mekong gồm các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

Một khu vực được đánh giá không chỉ có thế mạnh đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn nhất của thế giới, Tiểu vùng sông Mekong còn đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với cơ cấu dân số trẻ, năng động, có lợi thế lớn về nguồn nhân lực và là thị trường tiêu dùng tiềm năng.

Tiểu vùng này cũng có một vị trí địa lý đặc biệt, kết nối với các thị trường lớn và các nền kinh tế năng động của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, cũng như các nước ASEAN.

Với các lợi thế như vậy, Tiểu vùng Mekong có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất-tiêu dùng của ASEAN và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong hợp tác Mekong-Nhật Bản, từ những năm 2000, với mục đích thiết lập một “vòng cung tự do và thịnh vượng,” làm cho khu vực Mekong trở thành một thành tố chính trong vòng cung này, cơ chế hợp tác với Tiểu vùng sông Mekong được Nhật Bản thúc đẩy từ năm 2007.

Chiến lược Tokyo 2012, sau đó là Chiến lược Tokyo 2015 được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản với cam kết hỗ trợ 750 tỷ yen ( khoảng hơn 6,6 tỷ USD) từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản trong vòng 3 năm nhằm thực hiện mục tiêu bao trùm, gắn kết, bền vững cho hợp tác Mekong-Nhật Bản, đưa khu vực này tăng trưởng chất lượng cao.

Tiểu vùng sông Mekong được dự báo phát triển cao trong tương lai hứa hẹn sẽ tiếp tục là địa chỉ đầu tư của các doanh nghiệp và xuất khẩu cơ sở hạ tầng từ Nhật Bản.

Đây cũng là lợi ích quan trọng để Nhật Bản tiếp tục cam kết hợp tác, hỗ trợ, trong bối cảnh ảnh hưởng và sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng thông qua các cơ chế hợp tác như Mekong-Lan Thương (2015), sáng kiến “Vành đai, con đường” kết hợp với việc ra đời của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).

Về vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mekong-Nhật Bản, Giáo sư Ikebe cho rằng nằm ở vị trí cửa ngõ, hạ nguồn của sông Mekong, Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng xấu nhất từ việc phát triển các dự án thủy lợi trên dòng sông này.

Nếu nguồn lợi thủy sản, trầm tích, lưu lượng nước giảm xuống, không chỉ ngư nghiệp Việt Nam, cả nông nghiệp, cũng như toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nhu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển tại Việt Nam đang rất lớn, cần sự hợp tác và nguồn vốn từ bên ngoài.

Thông qua hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam cũng muốn đóng một vai trò tích cực trong quan hệ với các nước liên quan.

Có lẽ từ lý do trên, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác của Tiểu vùng sông Mekong, trong đó đặc biệt chú ý tới hợp tác Mekong-Nhật Bản.

[Chuyên gia Nhật Bản khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn]

Việt Nam đã tham gia các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ hậu cần và đơn giản hóa thủ tục cấp visa cho thương nhân trong khu vực; tích cực cùng với các nước Tiểu vùng sông Mekongg đàm phán và hoàn thành các quy định, thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước, duy trì dòng chảy, bảo vệ nguồn nước sông Mekong; tham gia tích cực vào sáng kiến “Một thập kỷ Mekong Xanh” trong hợp tác Mekong-Nhật Bản; cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các chương trình học bổng, đào tạo trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng trên nhiều lĩnh vực như quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng, thiết kế và thẩm định dự án…với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, hỗ trợ triển khai các sáng kiến hợp tác Mekong-Nhật Bản.

Các cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò là điều phối viên quan hệ ngoại giao ASEAN-Nhật Bản, qua đó khả năng sẽ đóng góp tích cực hơn nữa cho Hợp tác Mekong-Nhật Bản.

Về hợp tác Nhật-Việt trong khuôn khổ Mekong-Nhật Bản, Giáo sư Ikebe đánh giá hợp tác Nhật-Việt trong khuôn khổ Mekong-Nhật Bản đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả hai nước, sự thịnh vượng của khu vực, cũng như củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, thịnh vượng ở châu Á giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản, từ nhiều năm qua, Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Nhiều dự án đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như dự án cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Cần Thơ, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép-Thị Vải (Thành phố Hồ Chí Minh), đường hầm Hải Vân...

Các dự án cơ sở hạ tầng này cũng góp phần kết nối các nước Tiểu vùng sông Mekong và thực hiện chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản.

Hợp tác Mekong-Nhật Bản đã củng cố hơn nữa quan hệ Nhật-Việt toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn FDI là 9,1 tỷ USD và tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2018 với vốn FDI đạt 6,5 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam hiện khoảng 3.100, tăng 40% trong 4 năm qua.

Số doanh nghiệp Nhật Bản là thành viên Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tính đến tháng 6/2018 là 1.788 doanh nghiệp, đứng đầu trong số các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở các nước Đông Nam Á.

Kim ngạch thương mại hai bên năm ngoái đạt 33,84 tỷ USD, quý I năm nay đạt 8,7 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhưng là lớn nhất của Việt Nam trong số các nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 sẽ diễn ra vào ngày 9/10 tới tại Tokyo, đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác này.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có các cuộc gặp làm việc song phương với lãnh đạo chính phủ và các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản.

Chuyến thăm Nhật Bản này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng tỏ Việt Nam coi trọng cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản, mong muốn đóng vai trò tích cực trong cơ chế hợp tác này, cũng như trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lên một tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục