Giáo sư Nhật Bản “điểm danh” hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam

"Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có một số nhược điểm, mà thách thức lớn nhất trong đó là đang có sự thui chột về chiều sâu. Việc xây dựng tầm nhìn rộng, tầm nhìn xa của sinh viên là hơi yếu."
Giáo sư Furuta Motoo .(Ảnh: VNU)

Là một nhà Việt Nam học, đồng thời là Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Nhật, giáo sư Furuta Motoo nghiên cứu khá kỹ về giáo dục đại học Việt Nam.

Ông cũng không ngần ngại chỉ ra những khiếm khuyết trong bậc đào tạo này ở Việt Nam trong buổi họp báo sáng nay, ngày 9/9, nhân Lễ khai trường của Đại học Việt-Nhật.

Buổi họp báo còn có sự tham gia chủ trì của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn.

- Thưa giáo sư Furuta Motoo, chắc hẳn ông đã có những nghiên cứu về giáo dục đại học của Việt Nam. Ông thấy đâu là những nhược điểm và những điểm yếu đó sẽ được khắc phục tại Đại học Việt-Nhật như thế nào?

Giáo sư Furuta Motoo: Tôi nghĩ rằng dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có truyền thống chung là ham học. Đó là nền tảng quan trọng nhất cho nền giáo dục ở cả hai nước. 

Tôi là nhà Việt Nam học nên nghiên cứu Việt Nam rất kỹ. Tôi cho rằng một số lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, một số trường đại học Việt Nam đạt trình độ quốc tế.

Nhưng tôi thấy rằng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có một số nhược điểm, mà thách thức nhất là đang có sự thui chột về chiều sâu. Việc xây dựng tầm nhìn rộng, tầm nhìn xa của sinh viên là hơi yếu. 

Thứ hai là ở Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học và đào tạo khác biệt. Các viện nghiên cứu, chức năng chủ yếu của các trường đại học là đào tạo. Quan niệm như vậy không phù hợp với sự thay đổi hiện nay.

Nếu muốn xây dựng đại học trình độ cao tiếp cận quốc tế thì nhất định phải phối kết hợp cả nghiên cứu và giáo dục.

Thứ ba, tôi cho rằng nội dung đào tạo của đại học Việt Nam vẫn còn nặng tính lý thuyết và sinh viên ít được tham gia các hoạt động thực hành. 

Trường Việt-Nhật chúng tôi muốn khắc phục ba điểm tôi vừa nói.

- Đại học Việt-Nhật là hiện thân của sự hợp tác giáo dục Việt Nam-Nhật Bản. Vậy điều này sẽ được thể hiện như thế nào trong các chương trình đào tạo tại trường, thưa ông?

Giáo sư Furuta Motoo : Chương trình thạc sỹ của Đại học Việt-Nhật được xây dựng trên cơ sở chương trình thạc sỹ đang ban hành tại các trường đại học hàng đầu Nhật Bản. Tất nhiên, có một số điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam.

Giảng viên là đội ngũ có kinh nghiệm giảng dạy. Nguyên tắc cơ bản của trường là phía Nhật Bản phụ trách 50%, phía Việt Nam phụ trách 50%. 

Tôi chưa dám nói tất cả các học viên sau khi ra trường đều đạt tiêu chuẩn như của các đại học ở Nhật nhưng ít nhất các học viên ưu tú sẽ tương đương trình độ thạc sỹ của các trường Nhật Bản.

Mục tiêu đào tạo là 1/3 số thạc sỹ sau khi tốt nghiệp có thể học tiếp tiến sỹ tại Nhật Bản. Tôi tin sẽ đạt mục tiêu này.

Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn: Mỗi chương trình đào tạo có một đối tác là một trường đại học Nhật Bản khác nhau. 

Tuy lấy chương trình của Nhật Bản nhưng có một số điều chỉnh. Cụ thể, tất cả các học viên của các ngành đào tạo đều phải học thêm ba môn. Đó là các môn Khoa học bền vững, Tiếng Nhật và Triết học. Ba môn này không có trong chương trình gốc của trường đối tác, còn lại giữ nguyên chương trình.

Trong cam kết là mỗi bên cử đội ngũ giảng viên đảm nhiệm 50%. Nhưng tinh thần chung là không chỉ gói trong nhân lực của Nhật Bản và Việt Nam, chúng tôi có tính đến việc mời thêm chuyên gia của các nước khác nữa.

Trong chương trình thạc sỹ chúng tôi có kế hoạch đưa học viên sang thực tập tại Nhật Bản 3 tháng. 

Chương trình có cả định hướng chuyên sâu nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Trong quá trình học học viên sẽ tự chọn. Cam kết của các trường phía Nhật Bản đã có, vấn đề còn lại là sự nỗ lực của các học viên.

Chúng tôi đang cố gắng đặt ra việc các học viên sẽ nỗ lực để đạt học bổng.

- Là trường đại học nhưng hiện nay Đại học Việt-Nhật mới đào tạo ở bậc thạc sỹ. Vậy khi nào trường sẽ mở rộng ra các bậc học khác như đại học và tiến sỹ.

Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn: Chúng tôi đào tạo trình độ thạc sỹ trước vì thời gian đào tạo tương đối ngắn, chỉ hai năm, số lượng nội dung đào tạo ngắn, có thể triển khai nhanh được.

Chương trình đào tạo cử nhân thời gian dài, tới bốn năm, nên cần chuẩn bị kỹ hơn với lộ trình hợp lý.

Cụ thể, trường dự kiến đến năm 2020 sẽ đào tạo chương trình tiến sỹ đầu tiên. Đến năm 2023 sẽ bắt đầu đào tạo bậc cử nhân.

- Xin cảm ơn ban lãnh đạo trường!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục