Giáo sư Mỹ nói chuyện với sinh viên Bình Định về mô hình hạt quark

Giáo sư người Mỹ gốc Nga Jerome Isaac Friedman đã có buổi nói chuyện với sinh viên, thanh niên và người yêu khoa học Bình Định về mô hình vật lý hạt quark.
Giáo sư Jerome Friedman thuyết trình về mô hình quark bên trong proton và neutron. (Ảnh: Hoàng Kha/TTXVN)

Ngày 28/7, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), giáo sư người Mỹ gốc Nga Jerome Isaac Friedman đã có buổi nói chuyện với sinh viên, thanh niên và người yêu khoa học Bình Định về mô hình vật lý hạt quark với chủ đề “Con đường dẫn tới quark và xa hơn.”

Buổi nói chuyện đã đem đến cho người yêu khoa học vật lý hạt về mô hình quark, mô hình mới về cấu trúc của vật chất. Khám phá về mô hình quark đã thay đổi cách nhìn của loài người về cấu trúc nền tảng của vật chất, là cơ chế cấu phần của tự nhiên nhận được khối lượng và cung cấp bằng chứng về một trường mới trong vũ trụ.

Mô hình được chứng minh sau khi máy va chạm Hadron lớn đã phát hiện ra hạt Higgs (một hạt vật chất mới bên trong kết cấu nguyên tử) sau sự va chạm proton-proton năng lượng cao tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN) vào cuối năm 2012.

Việc phát hiện ra hạt Higgs và mô hình quark cho thấy vẫn còn kết cấu vật chất nhỏ hơn kết cấu nguyên tử.

Vào năm 2013, cũng tại thành phố Quy Nhơn, Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN) cùng Hội gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức hội nghị công bố kết quả nghiên cứu về hạt Higgs lần thứ 2 trên toàn thế giới và đầu tiên tại Châu Á.

Giáo sư Jerome Friedman sinh năm 1930, hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu hạt quark tại Học viện Công nghệ Masschusetts (MIT, Mỹ), ông đã đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1990.

Các hoạt động về nghiên cứu vật lý và thiên văn tại thành phố Quy Nhơn được nhiều nhà bác học đoạt giải Nobel trên toàn thế giới về công bố, thuyết trình là hoạt động hàng năm do Hội gặp gỡ Việt Nam tại Pháp tổ chức.

Hội gặp gỡ Việt Nam do vợ chồng giáo sư Việt kiều Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc thành lập. Năm 2013, Hội gặp gỡ Việt Nam đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Khoa học và Giáo dục quốc tế liên ngành - ICISE tại thành phố Quy Nhơn, đây là nơi hội tụ của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới cùng lúc, trong đó có 6 giáo sư từng đoạt giải Nobel và giải toán học thế giới Fields.

Mới đây, tại khu vực Trung tâm Khoa học và Giáo dục quốc tế liên ngành - ICISE, Hội gặp gỡ Việt Nam và tỉnh Bình Định cũng đã khởi công Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên tại Việt Nam.

Dự kiến đây sẽ là nơi hội tụ của các nhà nghiên cứu, đam mê khoa học; góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học Việt Nam phát triển, nhất là các lĩnh vực khoa học cơ bản và thiên văn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục