Nằm trong các hoạt động của Hội nghị Khoa học Vật lý quốc tế, ngày 18/8, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức giao lưu giữa Giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý George F.Smoot và các học sinh ưu tú của Việt Nam.
Đoàn học sinh tham gia giao lưu gồm 8 em đoạt Huy chương trong kỳ thi Olympic quốc tế vừa qua và 22 học sinh giỏi xuất sắc của tỉnh Bình Định. Các em rất tự tin, chủ động giao lưu bằng tiếng Anh với Giáo sư, đặt nhiều câu hỏi thú vị như: Làm thế nào để phát triển tình yêu với môn Vật lý? Lý giải về các khái niệm vụ nổ Big Bang, bức xạ vũ trụ? Các cách để nghiên cứu khoa học thành công? Kinh nghiệm để vượt qua khó khăn trên con đường làm khoa học? Làm thế nào để có thể đoạt giải Nobel danh giá?
Giáo sư George F.Smoot (70 tuổi) là nhà thiên văn vật lý, nhà vũ trụ học người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006 trong lĩnh vực nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ, dẫn đến sự khám phá bức xạ nền có tính chất của vật đen và bất đẳng hướng.
Trong buổi giao lưu, Giáo sư cho biết ông khá bất ngờ và thú vị với nhiều câu hỏi chuyên sâu về vũ trụ học của học sinh Việt Nam, thể hiện nền kiến thức khoa học khá vững chắc của các em so với các bạn đồng trang lứa tại những nước mà ông từng đến.
Ông nhiệt tình chia sẻ với các em cả về kiến thức chuyên môn lẫn các kinh nghiệm trong cuộc sống. Ông khuyên các học sinh: “Nghiên cứu khoa học mà nghĩ tới giải thưởng, lợi ích cá nhân thì sẽ không bao giờ thành công. Mục đích của nghiên cứu khoa học là để đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của thế giới. Trên con đường nghiên cứu khoa học của mình, các bạn hãy tận hưởng niềm đam mê trong lĩnh vực yêu thích của mình.”
Giáo sư George F. Smoot cũng chia sẻ gia đình ông rất khó khăn, khi là học sinh ông đã đi làm thêm để có tiền đi học. Vì vậy các bạn học sinh hãy luôn cố gắng hết mình để vượt qua khó khăn, thử thách.
Học sinh Đinh Thị Hương Thảo, Huy chương Vàng môn Vật lý trong kỳ thi Olympic quốc tế vừa qua chia sẻ cơ hội được giao lưu với Giáo sư nổi tiếng thế giới như thế này rất ít, em đã học hỏi và tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm về cách nghiên cứu cũng như niềm đam mê trong khoa học. Đây sẽ là động lực để em tiếp tục học tập và có thêm nhiều cống hiến trong tương lai.
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam khẳng định cuộc gặp gỡ, trao đổi hôm nay rất tốt cho sự phát triển của các học sinh ưu tú, những nhà khoa học tương lai. Trong các năm tới chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều buổi gặp gỡ giữa các nhà khoa học khác với giới trẻ Việt Nam./.