Chiều 6/7, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), chương trình nói chuyện chuyên đề, giao lưu của giáo sư Kurt Wuthrich - người đoạt giải Nobel hóa học năm 2002 đã diễn ra với sự tham dự của hơn 1.000 học sinh, sinh viên, người yêu khoa học tại Bình Định.
Hoạt động nằm trong chuỗi các Hội thảo khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” do Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Chương trình giao lưu có chủ đề “Cuộc đời khoa học của tôi - Từ Vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chẩn đoán y học."
Giáo sư Kurt Wuthrich cho biết ông bắt đầu sự nghiệp khoa học tự nhiên sau khi tốt nghiệp đại học các ngành hóa học, vật lý, toán học. Những phản ứng của cơ thể trong khi ông chơi thể thao đã đánh thức sự tò mò, giúp ông tìm hiểu và có cái nhìn sâu hơn vào cơ chế vận hành của tự nhiên ở cấp độ phân tử của sự sống. Nhờ nhiều sự tình cờ mà ông đã phát hiện ra các hiện tượng vật lý của sự cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) có thể giúp trả lời được nhiều câu hỏi trong lĩnh vực sinh học, y học.
Năm 2002, ông cùng với Tanaka Koichi và John B. Fenn đã vinh dự đoạt giải Nobel hóa học với công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.
Tại cuộc giao lưu, các học sinh, sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi cho Giáo sư Kurt Wuthrich như: các ứng dụng của công trình nghiên cứu trên trong việc bào chế thuốc chữa ung thư; vận dụng các công trình khoa học để chế tạo bom nguyên tử là đúng hay sai; động lực để thúc đẩy giáo sư trong nghiên cứu khoa học; những lời khuyên dành cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học tại Việt Nam…
Giáo sư Kurt Wuthrich đã rất nhiệt tình trả lời từng câu hỏi của các bạn học sinh, sinh viên và người yêu khoa học. Ông đưa ra lời khuyên: “Với thể thao thì phải đặt thành tích ra làm mục tiêu phấn đấu. Còn làm khoa học là phải đam mê, tìm được niềm vui trong công việc, chứ không được nặng về thành tích. Khi đã có những cống hiến quan trọng cho nhân loại, bạn sẽ được tôn vinh xứng đáng.”
Giáo sư Kurt Wuthrich là người Thụy Sĩ, hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu Scripps (California, Hoa Kỳ) là thành viên của Ban cố vấn Lễ hội Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ và là thành viên của Hội Hoàng gia Thụy Điển (ForMemRS). Ngoài giải Nobel hóa học, ông còn nhận được nhiều giải thưởng về khoa học như: Huy chương Otto Warburg (1999), Giải Kyoto (1998), Giải Louisa Gross Horwitz (1991), Giải Marcel Benoist (1991).../.