Giao mùa khiến nhiều người bị viêm mũi dị ứng

Những thay đổi về thời tiết nóng, lạnh thất thường liên tục ở miền Bắc gần đây đã khiến cho nhiều người bị viêm mũi dị ứng khổ sở.
Những thay đổi về thời tiết nóng, lạnh, nắng mưa thất thường liên tục ở miền Bắc gần đây đã khiến cho nhiều người bị viêm mũi dị ứng khổ sở.

Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là hắt hơi hàng tràng, sổ mũi, mắt đỏ và ngứa, khô họng, ngạt mũi. Nếu bị nặng có thể lên cơn khó thở, khò khè. Các biểu hiện này tồn tại trong vòng 15-20 phút, sau đó giảm dần.

Số cơn xuất hiện trong ngày tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Khi hắt hơi nhiều thì sẽ kéo theo cảm giác đau đầu do các cơ phải co thắt. Khi viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mạn tính thì có thể có hiện tượng nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang).

Nhiều trường hợp niêm mạc họng bị kích thích gây viêm còn có kèm theo hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Các loại vi khuẩn như vậy gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội như vi khuẩn S.pneumoniae, H. influenzae. Ngoài viêm mũi dị ứng theo mùa còn có viêm mũi dị ứng quanh năm.

Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mãn tính kéo dài có thể có gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi..

Loại viêm mũi dị ứng này tùy thuộc rất lớn vào thời tiết thay đổi theo từng mùa do xuất hiện các loại dị nguyên trong gió như phấn hoa, nấm mốc, các loại bụi nhất là bụi gần các khu công nghiệp, bụi ở vùng có tình trạng vệ sinh kém.

Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng và không thuộc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh cấp cứu nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người bệnh.

Việc điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay đối với cả Đông và Tây y đều rất khó khăn, hầu như chỉ có thể giúp người bệnh thoát khỏi các triệu chứng khó chịu trong một thời gian nhất định, bệnh sẽ lại tái phát lại khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Người bị viêm mũi dị ứng cần lưu ý để giảm bớt, hạn chế bệnh:

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích dị ứng: Giảm, tránh bụi trong nhà cũng như ngoài đường, tránh tiếp xúc với lông động vật, phấn hoa, mùi lạ, thuốc lá...

- Phải giữ ấm cho cơ thể nhất là khi về sáng hoặc mùa lạnh…

- Đeo khẩu trang khi đi đường cũng như khi làm việc trong môi trường có nhiều bụi.

- Nhỏ, xịt mũi khi bị ngạt bằng các thuốc co mạch giúp thông mũi.

- Nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, uống vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Chú ý giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và các vật nuôi trong nhà./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục