Giao lưu với kiều bào

Giao lưu trực tuyến về tình cảm, đạo lý với kiều bào

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Tình cảm, đạo lý đối với đồng bào ta ở xa Tổ quốc."
Trước thềm năm mới Quý Tỵ 2013, ngày 31/1, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Tình cảm, đạo lý đối với đồng bào ta ở xa Tổ quốc."

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Trần Đức Mậu cùng lãnh đạo các cục, vụ của Ủy ban đã tham gia giao lưu cùng bạn đọc.

Cuộc giao lưu góp phần tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vốn luôn được coi là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chương trình cũng đưa ra góc nhìn toàn diện hơn về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng như cùng trao đổi, chia sẻ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề bà con kiều bào quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Trần Đức Mậu cho biết để các chính sách, pháp luật đối với kiều bào thực sự đi vào cuộc sống, hiện các bộ, ngành hữu quan đang tích cực nghiên cứu, sửa đổi các văn bản hướng dẫn liên quan để đơn giản hóa thủ tục, hạn chế tối đa những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện như trong vấn đề đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, xác nhận gốc Việt Nam, các thủ tục mua nhà ở, đất ở tại Việt Nam…

Công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước. Công tác hội, đoàn và hỗ trợ cộng đồng được tăng cường một bước.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác vận động, công tác khen thưởng người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm triển khai và trở thành nền nếp thường xuyên nhằm ghi nhận những cống hiến của kiều bào. Công tác hỗ trợ về mặt tư pháp, giải quyết các đơn, thư khiếu nại của kiều bào tiếp tục được chú ý, thực sự tạo được niềm tin và chỗ dựa cho kiều bào khi gặp những khó khăn, vướng mắc.

Nhờ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển ổn định, vững mạnh và đoàn kết hơn ở các nước sở tại. Nghị quyết đã giúp chúng ta đồng sức, đồng lòng thực hiện các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tạo niềm tin cho bà con Việt Nam ở nước ngoài và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về các hình thức hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, đoàn hội của kiều bào ở ngoài nước phát huy được tinh thần tương trợ lẫn nhau và hướng về quê hương đất nước, ông Trần Đức Mậu khẳng định Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm đến vấn đề này, bởi việc tập hợp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh của cộng đồng.

Cụ thể, ở những nơi đã có các tổ chức, đoàn hội của kiều bào, Ủy ban hỗ trợ định hướng hoạt động một cách hiệu quả và thiết thực để lãnh đạo hội có thể phát huy hết khả năng. Những nơi chưa có sẽ được hỗ trợ để thành lập các hội đoàn với nhiều hình thức phong phú như Hội phụ nữ, hội đồng hương…

Đặc biệt, ở những nơi đã tập hợp được nhiều hội đoàn sẽ được khuyến khích thành lập các tổng hội, gần đây nhất là việc thành lập Tổng hội người Việt tại Thái Lan. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài đều có ban công tác cộng đồng, có nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có trách nhiệm tìm hiểu tình hình của kiều bào và có các biện pháp hỗ trợ.

Đánh giá về vai trò và vị trí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ông Trần Đức Mậu khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng là nguồn nội lực cho sự phát triển đất nước. Chúng ta phải tranh thủ tối đa nguồn lực quan trọng này để có thể xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước đã hỗ trợ và có những biện pháp, chính sách để bà con đóng góp nguồn lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, lực lượng doanh nhân và kiều bào đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cụ thể, đầu tư của kiều bào trong 3 năm gần đây đạt 9,1 tỷ USD; trong đó có vốn đăng ký kinh doanh của 35.000 doanh nghiệp trên 63 tỉnh, thành phố.

Về khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo đều có chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc, có những đóng góp vào các chính sách vĩ mô, thể chế thông qua các bài báo, thư từ…

Bà con Việt kiều còn là người đại diện tuyên truyền văn hóa Việt Nam ra nước ngoài tại các nước sở tại; tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, như giúp đỡ đồng bào nghèo khó, vùng sâu, vùng xa. Đây là những đóng góp đáng ghi nhận và cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới...

Các đại biểu khách mời cũng trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào; những chính sách, biện pháp để thu hút trí thức kiều bào; những chính sách thu hút nguồn lực đầu tư của kiều bào về nước.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục