Giao lưu nghệ thuật kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ tại TP.HCM

Chương trình giao lưu nghệ thuật là sự tôn vinh những câu chuyện đời, những con người vượt qua mặc cảm, định kiến và rào cản để chống lại thói độc đoán, bạo hành gia đình.
Giao lưu nghệ thuật kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ tại TP.HCM ảnh 1Các đại biểu khách mời cùng chia sẻ về vai trò của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Tối 4/3, tại Nhà hát Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 108 năm Ngày quốc tế Phụ nữ (8/3/1910- 8/3/2018).

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại kỷ niệm 1978 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 108 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (8/3/1910-8/3/2018), ghi nhận những đóng góp quy báu của phụ nữ thành phố trong suốt thời gian qua.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, chương trình giao lưu nghệ thuật là sự tôn vinh những câu chuyện đời, những con người vượt qua mặc cảm, định kiến và rào cản để chống lại thói độc đoán, bạo hành gia đình; những con người nỗ lực đưa gia đình vượt khỏi đói nghèo, lạc hậu hay những người phụ nữ khát khao chiếm lĩnh tri thức khoa học. Chính phụ nữ đã và đang gieo mầm và lan tỏa trên hành trình vì sự nghiệp bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

Chương trình giao lưu ca ngợi những người phụ nữ can đảm dám đối diện và vượt qua bạo lực gia đình, những người hết lòng giúp đỡ những số phận phụ nữ bất hạnh, những người vượt lên số phận để đóng góp cho đời sống.

Vượt qua hoàn cảnh bạo hành của chính mình, chị Nguyễn Bích Thủy đã mở ra địa chỉ tin cậy cộng đồng ở quận Gò Vấp để chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh giống như mình.

Theo chị Bích Thủy, muốn giúp đỡ những người phụ nữ khác thì bản thân mình phải tự vượt qua được hoàn cảnh khó khăn của chính mình. Trước đây khi bị chồng đánh, chị không dám nói với gia đình, chỉ mẹ con chị chịu đựng với nhau trong suốt 10 năm và sau đó quyết định tự mình tìm ra lối thoát, ly hôn để tìm một tương lai tươi sáng hơn.

Chị Bích Thủy lấy từ kinh nghiệm thực tế bản thân và dựa vào từng hoàn cảnh cụ thể của những người phụ nữ bị bạo hành để tìm cách giúp họ vượt qua được hoàn cảnh khó khăn.

[Những thực đơn dễ khiến trái tim chị em 'rung động' trong ngày 8/3]

Trong khi đó, Trần Trà My bị khiếm khuyết về cơ thể và giọng nói nhưng cô luôn có nghị lực bền bỉ trong cuộc sống. Vì khiếm khuyết về cơ thể và hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trà My chưa bao giờ được cắp sách đến trường nhưng đã tự học chữ để vượt qua mặc cảm hình thể, giao lưu với xã hội và thực hiện ước mơ của bản thân.

Trà My đã viết ra những cuốn sách như: "Giấc mơ đôi chân thiên thần," "Chúng ta chính là mùa Xuân," "Yêu trên từng ngón tay"... với nhiều câu chuyện về cuộc sống, truyền cảm hứng vượt lên số phận để vươn lên.

Các khách mời gồm các nhà báo, nhà khảo cứu, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Minh Đức và tiến sỹ Hoàng Thị Hồng Hà, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Tài chính đã cùng chia sẻ về vai trò của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, về những người phụ nữ luôn là chính mình và hỗ trợ người khác vượt qua hoàn cảnh, về những phụ nữ vượt qua số phận để truyển cảm hứng sống lạc quan, có ích...

Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật đều hướng đến hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, được thể hiện qua các ca khúc như: "Em trong mắt tôi," "Sống như những đóa hoa," "Hãy biết ước mơ," "Như triệu bông hoa tô đẹp cho đời," trích đoạn "Thái hậu Dương Vân Nga".../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục