Học giả từng đoạt giải Nobel Adolfo Perez Esquivel ngày 21/3 khẳng định, tân Giáo hoàng Francis không hề hợp tác với chế độ độc tài quân sự ở Argentina sau khi xuất hiện những chỉ trích rằng giáo hoàng đã im lặng trước những vụ thanh trừng đẫm máu của chế độ trên. “Ông ấy không hợp tác với chế độ độc tài,” Perez Esquivel, một người Argentina, nói sau cuộc gặp với giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latin. Giáo hoàng, khi đó còn là linh mục Jorge Mario Bergoglio, đứng đầu dòng Tên đầy ảnh hưởng ở Argentina trong giai đoạn chế độ độc tài 1976-1983. “Ông ấy thích chính sách ngoại giao im lặng, đặt câu hỏi về những người mất tích và những tù nhân,” nhà hoạt động nhân quyền Perez Esquivel, người từng nhận giải Nobel hòa bình năm 1980 vì những chiến dịch chống lại chính quyền độc tài quân sự, cho biết. “Giáo hoàng không có liên quan gì tới chế độ độc tài… Công giáo La Mã ở Argentina có một số giám mục hợp tác với chế độ độc tài, nhưng Bergoglio không nằm trong số đó”. Perez Esquivel nói ông và giáo hoàng đã trao đổi về các vấn đề nhân quyền và giáo hoàng kêu gọi “sự thật, công lý và chia sẻ” đồng thời cho biết cuộc gặp “đầy cảm xúc.”
Giáo hoàng Francis trong thánh lễ nhậm chức hôm 19/3 (Nguồn: AFP)
Tuần trước, Vatican đã bác bỏ những tin tức về việc giáo hoàng không bảo vệ hai linh mục bị tra tấn trong cuộc “Chiến tranh bẩn thỉu” khiến 30.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. “Cáo buộc sai trái” Nhà báo điều tra người Argentina Horacio Verbitsky đã chỉ trích giáo hoàng vì vai trò của ông trong chế độ độc tài. Tổ chức Grandmothers of the Plaza de Mayo, được thành lập năm 1977 để tìm kiếm những trẻ em bị bắt cóc ở thời độc tài quân sự, cũng lên tiếng phản bác Francis, giáo hoàng 76 tuổi. Người đứng đầu tổ chức này, Estela Carlotto, nói giáo hoàng “chưa bao giờ trao đổi vấn đề những người bị mất tích dưới chế độ độc tài”. Những người chỉ trích cánh tả ở Argentina cũng cho rằng giáo hoàng có trách nhiệm trong vụ bắt giữ hai linh mục trẻ dòng Tên, Orlando Yorio và Francisco Jalics, những người bị đưa vào các trung tâm tra tấn khét tiếng do lực lượng động tài cực hữu vận hành. Vatican nói những cáo buộc “mang tính phỉ báng” và “báng bổ” nhắm vào việc hạ uy tín giáo hội, trong khi chủ tịch Tòa án tối cao Argentina nhấn mạnh từ trước đến nay không có bất kỳ bằng chứng hay cáo buộc nào với Bergoglio. [Vatican phản bác cáo buộc "báng bổ" Giáo hoàng] Bản thân Bergoglio luôn bác bỏ việc có liên quan tới chế độ độc tài và thậm chí còn nói ông đã can thiệp với người đứng đầu chính quyền quân sự, Jorge Videla, để xin trả tự do cho những người dòng Tên. Hai linh mục đã được thả ra năm tháng sau đó. Jalics, hiện sống ở Đức, nói trong một tuyên bố đăng trên trang web tiếng Đức của dòng Tên, rằng ông và Yorio bị bắt không phải bởi Bergoglio chỉ điểm cho nhà chức trách. “Cáo buộc cha Bergoglio gây ra vụ bắt giữ chúng tôi là hoàn toàn sai trái”, ông nói. “Chính tôi trước đó từng tin vào những gì người ta nói. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, tôi hiểu rõ sau nhiều cuộc trao đổi rằng cáo buộc đó không hề có căn cứ”.
Hồng y Bergolio từng bị cáo buộc làm ngơ trước hành động tội ác của chính quyền quân sự tại Argentina (Nguồn: AFP)
Jalics nói sau khi ông bị bắt, sĩ quan thẩm vấn ông đã yêu cầu ông nhận dạng các tài liệu và đưa ông đi gặp một diệp viên người Nga để xác định ông có đúng là sinh ra ở thủ đô Hungary Budapest hay không. Trong tuần này, cũng đã có tin hai linh mục Công giáo và một giáo dân bị sát hại trong thời chế độ độc tài từng được xem xét phong thánh trong một chiến dịch do Bergoglio phát động khi ông còn là tổng giám mục Buenos Aires. Những người này, các linh mục dòng Francisco, Carlos de Dios Murias và Gabriel Longueville, cùng giáo dân Wenceslao Pedernera, bị sát hại năm 1976. Thi thể đầy đạn của các linh mục được tìm thấy ở tỉnh La Rioja, cách Buenos Aires 1.200 km về phía tây bắc, nơi họ đang giúp đỡ những người dân nghèo ổn định chỗ mới ở một vùng nông thôn./.
Trần Trọng (Vietnam+)