Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới đoàn kết với người mắc HIV/AIDS

Giáo hoàng cho biết tại một số khu vực người dân đã không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thiết yếu và hy vọng thế giới sẽ tăng cường đoàn kết để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới đoàn kết với người mắc HIV/AIDS ảnh 1Những người tình nguyện xếp nến thành hình ruy băng đỏ nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) tại Siliguri, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi thế giới đoàn kết đối với những người nhiễm virus HIV, nhằm đảm bảo chăm sóc y tế cho những bệnh nhân sinh sống tại các quốc gia nghèo nhất thế giới.

Trong bài phát biểu, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 là một dịp quan trọng để nhớ đến những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh nguy hiểm này.

Giáo hoàng lưu ý rằng tại một số khu vực trên thế giới, người dân đã không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc thiết yếu. Trong bối cảnh đó, ông hy vọng thế giới sẽ tăng cường đoàn kết để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả và công bằng cho những người mắc HIV/AIDS.

Trước đó, báo cáo AIDS năm 2021 của Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động đáng lo ngại, nhất là đối với hệ thống y tế của những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất, khiến việc tiếp cận những dịch vụ liên quan đến AIDS trở nên khó khăn hơn.

["COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống HIV/AIDS"]

Các lệnh phong tỏa và những biện pháp hạn chế khác nhằm phòng chống COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xét nghiệm HIV ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến việc chẩn đoán, chuyển tuyến đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị ban đầu cho người có nguy cơ phơi nhiễm hoặc có HIV.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tính đến cuối năm 2020, có khoảng 37,7 triệu người đang phải sống chung với virus HIV, khoảng 2/3 trong số này là ở châu Phi.

Theo UNAIDS, HIV có thể khiến 7,7 triệu người tử vong trong giai đoạn 2021-2030 nếu những biện pháp phòng chống và điều trị vẫn duy trì ở mức của năm 2019.

Tuy nhiên, nếu một chiến lược toàn cầu được thực hiện và các mục tiêu đến năm 2025 được đáp ứng, khoảng 4,6 triệu người sẽ được cứu sống trong cùng giai đoạn nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục