Giáo hoàng Francis đã đón Giáng sinh đầu tiên ở Vatican với thánh lễ chào đón hàng nghìn giáo dân tới chứng kiến mô hình Thánh đản tái hiện lại cảnh Chúa Jesus ra đời ở Bethlehem.
Giáo hoàng Francis chủ trì buổi thánh lễ vào đêm Giáng sinh ở Vatican (Nguồn: AFP)
Giáo hoàng Francis đã đón Giáng sinh đầu tiên ở Vatican với thánh lễ chào đón hàng nghìn giáo dân tới chứng kiến mô hình Thánh đản tái hiện lại cảnh Chúa Jesus ra đời ở Bethlehem.
Trong buổi thánh lễ ở giáo đường St Peter, nhà lãnh đạo giáo hội Thiên Chúa giáo 77 tuổi người Argentina kêu gọi những người Thiên Chúa giáo mở lòng ra và đấu tranh chống lại “các thế lực bóng đêm”.
“Nếu trái tim chúng ta khép lại, nếu chúng ta bị sự kiêu căng làm cho mù quáng và tự dối gạt mình, chúng ta sẽ bị cái ác xâm lấn,” Francis, được bầu lên năm nay thay thế người tiền nhiệm Benedict XVI, nói.
Sau khi thay thế vị giáo hoàng đầu tiên về hưu sau nhiều thế kỷ, Francis đã rất được lòng các giáo dân toàn thế giới với phong cách khiêm nhường và lời hứa cải cách Vatican của ông.
Francis đã nhiều lần cảnh báo về sự gia tăng của tình trạng bạo lực chống Thiên Chúa giáo và đã đề cập tới vấn đề giáo dân chạy nạn trong cuộc xung đột ở Syria cũng như cuộc vật lộn với quốc gia đông người Thiên Chúa giáo nhất Đông Nam Á Philippines vì lũ lụt thiên tai năm nay.
Ở châu Âu, thánh lễ Giáng sinh ở một nhà thờ tại dãy Alps thuộc Pháp đã kết thúc đột ngột hôm thứ Ba khi một phần trần nhà thờ sập xuống. Ở Ghent, Bỉ, một thánh lễ cũng kết thúc giữa chừng vì nhà chức trách phát hiện một quả bom từ thời thế chiến thứ hai chưa nổ.
Vatican đã ra mắt dựng hình lễ Thánh đản ở quảng trường St Peter do nghệ sĩ người Naples Antonio Cantone thiết kế và triển khai. Mô hình được đặt theo tên Francis và vị thánh người Italy đã tạo cảm hứng cho ông, Thánh Francis xứ Assisi.
Cantone nói mô hình lễ Thánh đản của ông nhấn mạnh vai trò của những người bình thường đã chứng kiến sự kiện Chúa Jesus ra đời, với “sự giản dị” là điều được nhấn mạnh, như phong cách của Giáo hoàng.
Ở thị trấn thuộc Bờ Tây Bethlehem, giáo sĩ Latin của Jerusalem Fuad Twal đã tổ chức thánh lễ nửa đêm với sự tham dự của Chủ tịch nhà nước Palestine Mahmud Abbas.
Giáng sinh ở Bethlehem (Nguồn: AFP)
Hàng nghìn người hành hương và du khách đã đi qua bức tường chia cắt đầy tranh cãi của Israel để tới thị trấn trên đỉnh đồi ở Palestine, nơi tuyết vẫn còn trên mặt đất sau một đợt lạnh khác thường trong tháng 12. Một mô hình ông già Noel khổng lồ đã được dựng lên ở quảng trường Manger, bên ngoài nhà thờ Thánh đản có tuổi đời hàng thế kỷ, với hàng nghìn ngọn nến được thắp lên ở nơi mà người Thiên Chúa giáo tin là Đức Mẹ Mary đã hạ sinh Chúa Jesus. Trong thánh lễ Giáng sinh, Twal kêu gọi “một giải pháp công bằng và khả thi” cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel và Palestine. Với người Thiên Chúa giáo ở Palestine, “câu trả lời không nằm ở việc bỏ đi hay đóng kín cộng đồng, mà là ở lại đây và mở rộng tấm lòng”, giáo sĩ 73 tuổi nói. “Từ nơi thiêng liêng này, chúng ta nhớ về tất cả những đau khổ trên thế giới: từ những cuộc nội chiến ở châu Phi tới bão lụt ở Philippines, tình hình khó khăn ở Ai Cập và Iraq, những thảm kịch ở Syria”, ông nói. Khoảng 126.000 người đã thiệt mạng ở Syria trong cuộc nội chiến. Trong hàng triệu người ly tán ở quốc gia vùng Vịnh này có hàng nghìn cư dân của thị trấn Thiên Chúa giáo lịch sử Maalula, rất nhiều người vẫn nói thứ tiếng Aramaic cổ đại của Chúa Jesus.
Giáng sinh ở Tacloban (Nguồn: AFP)
Juliana, một người di cư 22 tuổi từ Maalula hiện đang ở Damascus, nhớ lại “những ngày vui” nhân lễ Giáng sinh trong quá khứ: “Chúng tôi thường trang trí cây Giáng sinh, bạn bè và người thân đến dự các thánh lễ nửa đêm. Năm nay, chúng tôi vẫn có thánh lễ nhưng không còn cây Giáng sinh, giờ chúng tôi là nạn dân”. Ở Philippines, giáo dân tìm niềm vui trong đống đổ nát của thiên tai: siêu bão Haiyanđã san phẳng nhiều thị trấn và khiến gần 8.000 người thiệt mạng và mất tích. Những người sống sót mừng lễ Giáng sinh trên đống đổ nát với lợn quay và các buổi thánh lễ đông nghẹt. “Không gì có thể ngăn cản lễ ăn mừng Giáng sinh dù chúng tôi đã mất nhà”, Ellen Miano, 63 tuổi, sống ở vùng tâm bão Tacloban, nói./.