Giáo hoàng Francis đã chuẩn bị để cử hành lễ mừng Phục Sinh đầu tiên của ngài trong ngày Chủ Nhật, với hàng chục ngàn người dự kiến sẽ hiện diện trong ngày quảng trường Thánh Peter để tham gia buổi thuyết giảng đánh dấu ngày thiêng liêng nhất trong lịch Công giáo. Buổi lễ sẽ diễn ra sau khi Giáo hoàng chúc phúc "Urbi et Orbi" cho Rome và thế giới. Tại lễ Thắp nến Phục Sinh tổ chức ở nhà thờ Basilica trong ngày thứ Bảy, Giáo hoàng đầu tiên tới từ ngoài châu Âu trong gần 1.300 năm lịch sử Giáo hội đã kêu gọi những người vô thần và người Công giáo lầm đường lạc lối tiến lên về phía Chúa. "Người sẽ đón nhận các bạn với đôi tay rộng mở" - Francis nói trong buổi lễ mà ngài rửa tội cho 4 người cải đạo - "Hãy đừng khép lại con tim mình. Hãy đừng để chúng ta mất đi sự tin tưởng, không bao giờ bỏ cuộc. Không có tình huống nào mà Chúa không thể thay đổi". Người Công giáo ở khắp nơi trên thế giới đón lễ Phục sinh, chào mừng sự kiện Chúa Jesus sống lại sau khi bị đóng đinh câu rút, dưới những biến thể khác nhau, với nhiều lễ vật đặc trưng như trứng sơn nhiều màu hoặc Thỏ Phục Sinh. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Bảy đã gửi lời lúc Phục sinh và chúc mừng Lễ Quá hải Do Thái tới hàng triệu người Mỹ, kêu gọi họ nhân cơ hội này để hướng tới các giá trị chung của đất nước. Obama, một người theo Công giáo, nói trong bài phát biểu thường lệ mỗi tuần trên Internet và sóng phát thanh rằng các lễ mừng tôn giáo là cơ hội để "cống hiến bản thân cho các lợi ích lớn hơn cuộc sống của mỗi người". Lễ Phục Sinh ở Vatican diễn ra sau nhiều buổi lễ khác được tổ chức trong Tuần Thánh, vốn gợi nhớ về những ngày cuối đời của Chúa. Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hoàng Francis đã tổ chức một buổi thuyết giảng tại một nhà tù dành cho thanh thiếu niên ở Rome, nơi ngài rửa chân cho 12 phạm nhân, gồm hai bé gái và 2 người Hồi giáo. Đây là nghi lễ mô phỏng việc Chúa thể hiện sự khiêm nhường trước 12 tông đồ. Các giáo hoàng trước kia thường chỉ cử hành nghi lễ với các linh mục hoặc các con chiên bình thường. Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Francis đã chủ trì một lễ thắp đuốc tại đấu trường Colosseum ở Rome, nơi nhiều người Công giáo được cho là đã tử vì đạo. Ông đã cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông và kêu gọi việc đối thoại với "những người anh em Hồi giáo của chúng ta". Giáo hoàng mới cũng nói rằng ông muốn có "một Giáo hội nghèo vì người nghèo" và đã có một phong cách cá nhân ít chính thống hơn so với người tiền nhiệm Benedict XVI. Trong vài tuần mới nhậm chức, ông đã phá bỏ nhiều truyền thống của Vatican.
Lễ Phục sinh đầu tiên của Giáo hoàng Francis diễn ra với một chút khác biệt so với thời những người tiền nhiệm (Nguồn: AFP)
Francis, người xuất thân từ Argentina và là một người tương đối bảo thủ trên vấn đề giáo lý Công giáo. Ở quê nhà, ngài nổi tiếng vì lối sống giản dị, khiêm tốn và thường quan tâm tới các cộng đồng nghèo khó. Tuy nhiên các chuyên gia Vatican nói rằng ngàig vẫn chưa xử lý các vấn đề chủ chốt ở Giáo hội, gồm việc cải cách bộ máy quản lý Vatican đang chìm trong bê bối. Các nhà phân tích sẽ đặc biệt chú ý việc ông bổ nhiệm ai vào các vị trí trọng đại của Vatican sau lễ Phục Sinh, trong bối cảnh đã có những lời kêu gọi cải tổ toàn diện. Ngân hàng của Vatican, được biết tới với tên Viện Giáo vụ, hiện đang bị Italy điều tra vì nghi ngờ rửa tiền. Cải tổ ngân hàng cũng là vấn đề lớn. Một thách thức nữa là việc Francis sẽ xử lý ra sao vụ bê bối hàng ngàn những đứa trẻ bị các linh mục lạm dụng trong nhiều thế kỷ và tội ác của các linh mục đã bị che đậy. 8 năm cầm quyền của người tiền nhiệm Benedict XVI đã bị phủ bóng trong các bê bối, gồm vụ rò rỉ hàng trăm trang tài liệu mật của Vatican hồi năm ngoái cho thấy những màn đấu đá nội bộ phức tạp. Benedict đã khiến thế giới bị sốc khi tuyên bố từ chức hồi tháng trước và ngài là Giáo hoàng đầu tiên làm thế sau hơn 700 năm. Người đàn ông 85 tuổi nói rằng ông không còn sức mạnh thể xác và tinh thần để tiếp tục công việc của Giáo hoàng./.
Linh Vũ (Vietnam+)