Giáo hoàng Francis đang chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với người tiền nhiệm Benedict XVI trong ngày thứ Bảy tới và đây là lần đầu một đương kim Giáo hoàng gặp một người tiền nhiệm kể từ thời Trung cổ, với cả hai người được dự báo sẽ bận đồ màu trắng đặc trưng. Thời gian làm Giáo hoàng của Francis nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ di sản do người tiền nhiệm để lại. Tuy nhiên ký ức về Giáo hoàng Benedict dường như đã phai lạt trong tâm trí của khá nhiều con chiên bình thường. Các bưu thiếp có in hình Francis đã xuất hiện trong lễ nhậm chức của ông bên cạnh bưu thiếp của cố Giáo hoàng được yêu mến John Paul II, trong khi bưu thiếp của Benedict, nhân vật nằm giữa hai người, đã bị loại bỏ. "Nhiệm kỳ này của Giáo hoàng bén rễ từ lời dạy của Benedict. Ông là lực lượng trí tuệ chính tại Giáo hội trong 25 năm qua và di sản của ông sẽ tiếp tục định hình Giáo hội" - nhà nghiên cứu Samuel Gregg từ viện nghiên cứu tôn giáo Aston nhận xét. Dù có những khác biệt lớn về phong cách, nhưng sự tương đồng đã xuất hiện trong các bài phát biểu của Francis và Benedict. Francis đã hứa hẹn "tình bạn và sự tôn trọng" cho mọi niềm tin và nói rằng ông cảm thấy "gần gũi" với những người vô thần. Benedict là người khuyến khích đối thoại liên tôn giáo và trong vài trường hợp ông còn thúc đẩy việc đối thoại với những người vô thần. Francis đã ca ngợi những người "đi tìm kiếm sự thật, cái tốt và vẻ đẹp". Trong khi đó Benedict đã liên tục nhấn mạnh vào "vẻ đẹp và sự thực" của từ Công giáo. Francis đã cảnh báo chống lại việc nhân loại đang suy thoái dần tới chỗ giống như "thứ mà họ sản xuất ra và tiêu thụ", trong khi người tiền nhiệm 85 tuổi nói rằng sự suy thoái niềm tin là do xã hội hiện đại bị ám ảnh bởi chủ nghĩa tiêu thụ, tốc độ và tham vọng cá nhân. Chuyên gia tôn giáo Peter Seewald, người đã xuất bản một cuốn sách phỏng vấn với Benedict, đã cho tờ Corriere della Sera biết rằng rõ ràng ngay từ đầu, tân Giáo hoàng Francis đã "làm rõ rằng ông muốn đặt mình vào vết xe của người tiền nhiệm". "Benedict đã chuẩn bị sẵn địa hình và mở đường. Francis sẽ tiếp tục theo chân ông, đặt ưu tiên đặc biệt cho làn sóng truyền bá Phúc âm mới và sự khám phá thông điệp về tình yêu và tình huynh đệ" - ông nói - "John Paul II đã ổn định con thuyền Giáo hội trong cơn bão dữ, Benedict gột sạch nó, triển khai những người lèo lái mới và đưa nó trở lại con đường đúng đắn. Còn Francis sẽ khởi động động cơ để giúp Giáo hội tiến lên". Sau khi từ chức hồi tháng trước vì lý do sức khỏe, Benedict đã về "ở ẩn" tại Castel Gandolfo, dù Vatican nói rằng ông vẫn sẽ "hướng dẫn về tinh thần" cho Francis. Tân và cựu Giáo hoàng sẽ sống cách nhau không xa trong các bức tường của Vatican, khi Benedict chuyển vào sống tại một tu viện ở đây vào tháng tới. Benedict, người vẫn được gọi là "Đức Thánh cha", đã tiếp tục được mặc áo thụng trắng của Giáo hoàng. Ông đã hứa sẽ nghe lời người kế nhiệm, không cần biết ai đắc cử.
Giáo hoàng Francis trong thánh lễ nhậm chức hôm 19/3 (Nguồn: AFP)
Francis đã thường xuyên lên tiếng cảm ơn Benedict, từ khi ông xuất hiện ở ban công nhà thờ Basilica sau khi đắc cử. Các nhà phân tích kỳ vọng rằng sẽ có thêm những sự tương đồng nữa giữa hai người xuất hiện, như tầm quan trọng về việc nhấn mạnh vào các mặt tích cực của giáo lý, thay vì chú ý tới những gì Giáo hội chống lại, đặc biệt là cuộc chiến chống chủ nghĩa thế tục đang tăng lên. Nhưng dù ảnh hưởng Benedict để lại rất lớn, ông đã dường như không còn được nhiều tín đồ nhắc tới. Các nữ tu sĩ tụ tập ở Rome trước mật nghị bầu Giáo hoàng, đã cầu nguyện xin sự soi đường chỉ lối cho các Hồng y trước những bức chân dung của Giáo hoàng John Paul II. Các tín đồ Công giáo trẻ tuổi tới từ khắp nơi trên thế giới đã thắp nến cầu nguyện trong 24 giờ cũng thích nhắc tới Francis nhiều hơn là Benedict. Trước mật nghị, Fabien Lambert, giáo sĩ của nhà thờ Saint Lawrence xây từ thế kỷ 12 và lãnh đạo một trung tâm thanh thiếu niên quốc tế ở Rome, đã đưa các thanh thiếu niên tới mộ John Paul II để cầu nguyện. Những người đặt cược vào tên Giáo hoàng tương lai đã đổ khá nhiều tiền vào John Paul III. Nhưng cái tên Benedict XVII không được nhiều người đặt cược lắm.
Theo Seewald, quyết định của Giáo hoàng khi chọn tên Francis theo Thánh Francis vùng Assisi, người đã từ bỏ mọi sự cám dỗ vật chất để phụng sự người nghèo, đã tuân theo những gì Benedict từng muốn Giáo hội thực hiện và cho thấy sự tiếp nối giữa các Giáo hoàng. Ông nói rằng Benedict "là người hết sức ngưỡng mộ Thánh Francis. "Sau Thánh Benedict (người sáng lập đời sống tu viện ở phương Tây) là Thánh. Cả hai đều là những con người tuyệt vời, những người thực sự giúp cải cách Giáo hội, trong thời đại của họ, theo cách thức của họ" - ông nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)