“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” - quan điểm xuyên suốt

Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không thay đổi.
Giáo viên trường mầm non Bằng Lăng, tỉnh Kon Tum giảng dạy tiếng Việt cho các em học sinh. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập, không những cần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường mà còn phải quan tâm đến đổi mới giáo dục- đào tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Việt Nam là “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.”

Giáo dục vì sự phát triển bền vững hướng tới các kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lực hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các trụ cột của phát triển bền vững.

Nhân dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết chủ đề “Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững,” cung cấp bức tranh tổng quát về đường lối, chiến lược, chính sách đổi mới và phát triển bền vững nền giáo dục Việt Nam, ghi nhận ý kiến đánh giá, nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý về những thời cơ cũng như thách thức đang phải đối mặt của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

Bài 1: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”- quan điểm xuyên suốt 

Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không thay đổi.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt yêu cầu, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước.

Để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, ngành Giáo dục và Đào tạo cần sự phát triển đột phá, tiếp tục thực hiện đổi mới để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển

Tại Lễ tuyên dương học sinh đoạt Giải Olympic quốc tế năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài.

Ngay từ năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nền giáo dục và sự hiếu học của dân tộc Việt Nam luôn được đề cao và vun đắp với minh chứng bởi 82 văn bia tiến sỹ tại Khu Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đặc biệt vào năm 1484, nơi đây được khắc ghi câu văn nổi tiếng của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp.”

[Kỳ vọng đổi mới giáo dục, tạo nền tảng cho sự phát triển]

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Người đặt trọn niềm tin, hy vọng vào thế hệ trẻ để kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha ông bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập của mình, mở ra tương lai tươi sáng giàu đẹp cho đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhận thức được vai trò và ý nghĩa của giáo dục và đào tạo, xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu không hề thay đổi.

Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VII) năm 1993 khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đặc biệt, từ thực tiễn đổi mới và những nút thắt phát triển nảy sinh, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) (Nghị quyết số 29-NQ/TW) một lần nữa khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân ta.

Tiếp nối những tinh thần trên, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt yêu cầu, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng, giai đoạn 2010-2020 đánh dấu bước thay đổi của giáo dục Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, XII của Ðảng, trong đó, đột phá chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục các cấp đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt cả về đại trà và mũi nhọn; phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học được duy trì. Quản trị Đại học có chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng cao.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng; bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế; trong đó, tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển... Trong các đợt đánh giá PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam đạt nhiều kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối.

Trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) được xây dựng khang trang. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Về giáo dục đại học, đến nay, Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.

Được chọn là một điểm đột phá, lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đã hoàn thành. Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả cuối năm học; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông; giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. 

Đổi mới những vấn đề cốt lõi

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm chỉ đạo đến cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Cùng với việc triển khai trong thực tiễn, các chủ trương đổi mới của Ðảng đã được luật hóa.

Trong vòng hai năm liên tiếp (2018-2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục được soạn thảo, thông qua và đi vào cuộc sống. Ðồng thời, trong 5 năm (2016-2020), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 278 văn bản, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, kịp thời tháo gỡ những nút thắt trước đây trong lĩnh vực giáo dục, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo vẫn còn một số bất cập, khó khăn cần có giải pháp khắc phục như: quan điểm “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu” chưa được quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa đầy đủ, đồng bộ.

Hệ thống trường lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và các khu đô thị lớn còn thiếu, xuống cấp. Xã hội hóa trong giáo dục phổ thông gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở giáo dục đại học có quy mô nhỏ, chưa được chú trọng đầu tư, chất lượng đào tạo không cao. Giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ tại một số địa phương.

Do vậy, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung thực hiện Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư. Trong đó, đối với giáo dục phổ thông, ngành triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Ðối với giáo dục đại học, ngành đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Ngành cần đổi mới công tác quản lý, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được đẩy mạnh; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cần nỗ lực, quyết tâm khắc phục cho được những bất cập, hạn chế.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, có những vấn đề quan trọng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, sẽ có không ít thách thức mà ngành phải đối mặt.

Việc tiếp tục triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn cơ, đòi hỏi đi vào chiều sâu, mang tính thực chất hơn nữa, yêu cầu sự quyết liệt của cả hệ thống. Trong đó, việc đổi mới phương thức quản lý, đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phải thay đổi thói quen vốn dĩ đã có từ lâu. Đây là điều không thể một sớm một chiều.

Với giáo dục đại học, tự chủ là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn do sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật và để tìm cách làm mới, phù hợp sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đặt ra.

Cùng với đó, năm 2021, chương trình phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6 sẽ tổ chức thực hiện. Những môn học mang tính tích hợp cao bắt đầu xuất hiện. Việc này đặt ra những yêu cầu ngày càng cao của công tác bồi dưỡng cũng như nỗ lực tự thân của mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy cô./.

Giáo dục phổ thông mới - mở đường cho phát triển phẩm chất và năng lực

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục