Giáo dục TP.HCM: Sớm hình thành các kỹ năng cần thiết cho công dân số

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, ngành Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chú trọng nâng cao kỹ năng ứng dụng tin học của học sinh nhằm thích ứng với yêu cầu hội nhập.
Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra mắt Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Thực tế hiện nay, nhân lực công nghệ thông tin nói chung, các chuyên ngành mới chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, thực tế ảo... còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo các chuyên gia, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số cần hướng tới cả hai mục tiêu, đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số đáp ứng được các yêu cầu phát triển và nâng cao kiến thức, kỹ năng số cần thiết cho người dân để thích ứng với thay đổi của trong chuyển đổi số.

Nâng cao kỹ năng tin học

Nghiên cứu về đào tạo nhân lực chuyển đổi số, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ly, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh đào tạo chuyên ngành về công nghệ số, cần bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt là chú trọng giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng số trong các cơ sở giáo dục từ bậc phổ thông, trong đó chú trọng phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy tất cả các lớp từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Thực tế, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chú trọng nâng cao kỹ năng ứng dụng tin học của học sinh nhằm thích ứng với yêu cầu hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Từ năm 2014 đến nay, thành phố thực hiện thí điểm đưa môn Tin học theo chuẩn quốc tế vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Dù có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng nhưng việc mở rộng chương trình vẫn gặp khó khăn, thiếu sự đầu tư đồng bộ và đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng.

Hiện nay, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học đã trở thành bộ môn chính thức được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc đầu tư trang thiết bị, đội ngũ đạt chuẩn nhằm đảm bảo 100% các trường phổ thông dạy môn Tin học là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới. 

Đáp ứng yêu cầu, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai đề án Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu đến năm 2030 có 50% học sinh thành phố đạt chuẩn tin học quốc tế, 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình tin học quốc tế.

[Tiên phong trong chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục ở TP.HCM]

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có nâng cao nhận thức về vai trò của kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội.

Thành phố tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý của ngành đồng bộ, đảm bảo tính kết nối, nhất là về cơ sở dữ liệu với hệ thống của thành phố; rà soát, nâng cấp đồng bộ hệ thống đường truyền Internet, đầu tư hệ thống thiết bị, phần mềm dùng cho việc dạy và học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thành phố chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên Tin học, trong đó có những chính sách thu hút, hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chuẩn quốc tế. Cùng với đầu tư từ ngân sách, thành phố đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong dạy học Tin học, góp phần từng bước thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các khái niệm về “chuyển đổi số,” “quốc gia không biên giới” ngày càng phổ biến. Học sinh không chỉ được đánh giá về các chỉ số IQ, EQ mà còn được đánh giá về trí tuệ số. 

Vì thế, kiến thức, kỹ năng và các giá trị số cần được đánh giá theo chuẩn quốc tế. Học sinh được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng tin học theo chuẩn quốc tế sẽ có nền tảng tốt, đủ khả năng áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Đào tạo AI theo chiều sâu và rộng

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ cốt lõi trong triển khai chuyển đổi số.

Đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển, nhiều trường đại học đã mở ngành đào tạo về trí tuệ nhân tạo. Là một trong những trường tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo về trí tuệ nhân tạo, năm 2019, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh chương trình Robot và Trí tuệ nhân tạo.

Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra mắt Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trong năm đầu tiên tuyển sinh, trường chỉ tuyển 20 chỉ tiêu và những sinh viên xuất sắc trúng tuyển chương trình này được đào tạo miễn phí. Đến năm 2020, Robot và Trí tuệ nhân tạo của Trường nhanh chóng trở thành một ngành hot khi có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất trong hơn 50 ngành đào tạo của trường.

Ngành Trí tuệ nhân tạo ngày càng thu hút nhiều người học và có nhu cầu lớn về nhân lực. Đáp ứng nhu cầu phát triển, mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học dự kiến mở thêm ngành đào tạo này như Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, ngành Khoa học dữ liệu.

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở ngành Robot và hệ thống điều khiển thông minh. Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thêm các ngành Công nghệ điện tử và tin học, ngành Trí tuệ nhân tạo…

Chương trình đào tạo ở các trường từ mức độ cơ bản đến nâng cao về Robot và trí tuệ nhân tạo, bao gồm các ứng dụng của robot, mô hình thực-ảo, hệ thống động lực học, hệ thống cảm biến robot, lập trình hướng đối tượng, hệ thống IoT và hệ thống thực tế ảo 3D...

Cùng với đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, thành phố triển khai nhiều chương trình nhằm phổ biến rộng rãi hơn kiến thức về AI trong cộng đồng. Theo đó, nội dung về trí tuệ nhân tạo được thành phố thí điểm đưa vào bậc giáo dục phổ thông với trường đầu tiên triển khai là Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong.

Từ kết quả thực hiện thí điểm trong năm học 2018-2019, năm học 2019-2020, Trường bắt đầu triển khai đại trà phổ cập về trí tuệ nhân tạo cho học sinh toàn trường.

Mặt khác, việc phổ biến kiến thức về AI có sự tham gia của hệ thống giáo dục đại học. Điển hình, chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot vừa được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đã thu hút sự quan tâm lớn của học sinh, giáo viên các trường phổ thông.

Chương trình được giảng dạy theo hướng tiếp cận liên môn STEM, STEAM về trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh, sinh viên ở các độ tuổi, cấp học, ngay từ lớp 1. Tài liệu, giáo trình được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng đối tác mua bản quyền nước ngoài và Việt hóa, điều chỉnh, thẩm định, xuất bản, đưa vào giảng dạy.

Bên cạnh các chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, tại đây còn giới thiệu các giải pháp, ứng dụng công nghệ tin, trí tuệ nhân tạo của các doanh nghiệp và cả các sản phẩm khoa học về AI của sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện trường đang tham gia đào tạo, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cả ở chiều sâu và chiều rộng.

Cùng với việc đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế, trong đó chủ trì nhiều đề án thành phần về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo…, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng tới các chương trình về chiều rộng nhằm lan tỏa kiến thức về AI tới cộng đồng, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên.

Qua đó, khơi gợi, truyền đam mê nghiên cứu khoa học tới các em, phát hiện và bồi dưỡng nhân tố mới trong lĩnh vực nghiên cứu AI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục