Giáo dục mầm non: Mải miết đi tìm trường đạt chuẩn chất lượng

Đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 toàn quốc có 40% trường mầm non được đánh giá ngoài đạt chất lượng cấp độ một nhưng đến hết năm 2014, tỷ lệ này mới chỉ là 7,1%.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đặt mục tiêu đến cuối năm 2016, toàn quốc có 40% trường mầm non được đánh giá đạt chất lượng cấp độ một nhưng đến hết năm 2014, tỷ lệ này mới chỉ là 7,1%.

Đây là thông số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Hội nghị giao ban thực hiện dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non. 

Dự án được triển khai từ năm 2013, gồm 8 chỉ số liên quan đến các vấn đề như tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường, tự đánh giá và đánh giá ngoài các trường mầm non, tập huấn giảng viên cốt cán, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý các trường mầm non… Trong đó, hai chỉ tiêu đang khó đạt tiến độ nhất là tỷ lệ trường được đánh giá đạt chất lượng chuẩn cấp độ một và tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn chuyên môn.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn cấp độ một là chỉ tiêu khó đạt nhất của dự án và cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ. 

Đặt chỉ tiêu 40% trường đạt chuẩn nhưng hiện mới chỉ thực hiện được 7,1%, còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu. Trong đó có 32 tỉnh, số trường mầm non đánh giá ngoài đạt cấp độ một trở lên chỉ đạt 3%, 23 tỉnh đạt dưới 3%. Đặc biệt có 9 tỉnh đến cuối năm 2014 vẫn chưa thực hiện đánh giá ngoài trường mầm non nào như Đà Nẵng, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang, Ninh Thuận…

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn chất lượng thấp không chỉ ở các địa phương khó khăn mà cả ở những vùng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh (2,8%), Hà Nội (2,3%)…

Chỉ tiêu về tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý trường mầm non được bồi dưỡng theo yêu cầu cũng là một thách thức không nhỏ khi triển khai đề án. Hết tháng 12/2014, tỷ lệ giáo viên, cán bộ được bồi dưỡng theo yêu cầu chỉ đạt 50,7% trong khi mục tiêu đặt ra là 90%.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên nhân của tình trạng này do kinh tế khó khăn, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non không đạt yêu cầu, nhất là những trường miền núi có nhiều điểm trường lẻ. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khác như vướng mắc trong quy trình thực hiện kiểm định chất lượng, cơ chế giải ngân, bất cập trong quản lý ngân sách… Vì thế, trong thời gian tới, cần phải có nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến độ hoàn thành các mục tiêu của dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục