Giáo dục mầm non "chạy nước rút" để đạt chuẩn phổ cập trẻ 5 tuổi

Năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nhưng đến thời điểm này, cả nước mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập.
Giáo dục mầm non "chạy nước rút" để đạt chuẩn phổ cập trẻ 5 tuổi ảnh 1Đề án Phổ cập giáo dục mầm non khó cán đích đúng hạn vào năm 2015. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nhưng đến thời điểm này, cả nước mới có 18 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập, 45 địa phương còn lại vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu.

Thậm chí, còn 10 tỉnh chưa có huyện nào đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi gồm Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Vì thế, trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác giáo dục mầm non năm học 2014-2015 sáng nay, ngày 30/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu các sở trực thuộc trong năm học 2014-2015 phải “ưu tiên nguồn lực, chỉ đạo tham mưu quyết liệt, tập trung thực hiện công tác phổ cập.”

Không đủ trường lớp

Chia sẻ tại Hội nghị, khó khăn lớn nhất được các địa phương chỉ ra là thiếu cơ sở vật chất. Thống kê cho thấy, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt thấp, chiếm khoảng 61,6%, vẫn còn 10.696 phòng học nhờ, mượn. Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long, một trong 10 tỉnh chưa có huyện nào đạt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi không phải nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, không thuộc khu vực biên giới, hải đảo hay vùng sâu vùng xa để được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước mà phải từ nội lực. Vĩnh Long lại là địa phương nông nghiệp, kinh tế thấp, nên dù có huyện đầu tư đến 35% ngân sách cho giáo dục vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu trường lớp. Đủ phòng học một buổi trên ngày đã khó, hai buổi trên ngày lại càng là thách thức.”

Đây cũng là chia sẻ của bà Phan Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non tỉnh Kiên Giang. Theo bà Hằng, năm 2011, khi bắt đầu triển khai Đề án, Kiên Giang có 63 xã chưa có trường mầm non. Đến thời điểm này, số xã “trắng” trường mầm non tại Kiên Giang vẫn còn 23 xã. Tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 mới phủ được khoảng trống này. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn 30 phòng học tạm, 473 phòng mượn của trường tiểu học.

“Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn nên chỉ huy động được trẻ học một buổi trên ngày. Thậm chí, để tăng khả năng huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, chúng tôi phải giảm số phòng dành cho trẻ 3-4 tuổi,” bà Hằng nói.

Giáo dục mầm non "chạy nước rút" để đạt chuẩn phổ cập trẻ 5 tuổi ảnh 2Thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất là thách thức lớn nhất để thực hiện phổ cập. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Thiếu trường lớp cũng là than thở của Phó Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà. Hiện tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi của tỉnh mới chỉ đạt trên 50%, tỷ lệ học sinh bán trú là 30%.

“Chúng tôi đã có đề án tham mưu với tỉnh để nâng cao cơ sở vật chất, tỉnh đã phê duyệt nhưng vẫn chưa triển khai được vì không có kinh phí,” bà Hà chia sẻ.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Trước ý kiến của các địa phương nêu ra, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận rằng “thực hiện phổ cập giáo dục mầm non vô cùng khó khăn,” nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn chung hiện nay, rất khó để có thể huy động từ ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Thứ trưởng Nghĩa, các sở giáo dục đào tạo nên linh động hơn nữa trong vấn đề kinh phí, kêu gọi sự vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương. Các giải pháp tiết kiệm chi phí như thu gom các điểm trường lẻ khi điều kiện giao thông đã thuận lợi hơn. Chẳng hạn như tại Tuyên Quang đã giảm được khoảng 300 điểm lẻ từ cách làm này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí triển khai dự án, đồng thời kết hợp với nguồn kinh phí từ các chương trình khác như chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Các ví dụ tiêu biểu về việc huy động xã hội hóa có thể kể đến như tỉnh Tuyên Quang huy động được trên 60 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang huy động được 212 tỷ đồng từ các ngân hàng, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục, trong đó chủ yếu cho trường mầm non.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, ông Lê Hoàng Tươi cho rằng, dù đã huy động xã hội hóa cũng quá khó để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

“Bộ phải có sơ kết lại Đề án để phân bổ nguồn ngân sách hợp lý hơn cho các địa phương, nhất là các địa phương khó khăn,” ông Tươi kiến nghị.

Với quá nhiều thách thức và kết quả “khiêm tốn” đạt được trong phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cho rằng, rất khó để Đề án “cán đích” đúng hạn vào năm 2015.

“Tôi nghĩ Bộ nên xem xét lại kế hoạch, gia hạn đến năm 2020 cho những tỉnh khó khăn. Chúng tôi không muốn chạy theo thành tích mà mong muốn khi đạt chuẩn thì đó là chuẩn thực sự và đảm bảo chất lượng,” Phó Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục